Đua nhau thi vào ngành IT, rồi trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng. Blogger Ngôn Phạm chia sẻ nỗi niềm cùng Blog Quanh Ta.
Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ thông tin (CNTT - IT) cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó, tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.
Sự chênh lệch "giàu nghèo"
Tôi vẫn nhớ hồi đó, những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.
Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương...
Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh...
Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với chứ danh trưởng dự án (PM) trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi, bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng, hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.
Làm giàu thì phải "con buôn"?
Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: "Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ... con buôn một tí". Tôi cũng chả biết giải thích từ "con buôn" thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:
1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.
2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh.
3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.
Tựu trung lại, làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^
(Nguồn: blog Ngôn Phạm - PHẠM HỮU NGÔN)
Bình luận
Tớ đã đọc bài này cũng khá lâu rùi!
Theo tớ, "không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..." như tác giả bài viết nói, đi theo cái cách bắt chiếc đó áp dụng cho Việt Nam mà đòi giàu được. Cái quan trọng để làm giàu ở Việt Nam chính là ý tưởng và bối cảnh của chính nước ta.
Đơn cử như ví dụ của tác giả viết về TMĐT, ai bảo trình độ dân trí của nước ta bây giờ không ai thanh toán điện tử mà chỉ ra chợ. Tâm lý các bà già và các cô từ 7x thì có thế thật, nhưng từ 8x trở đi, tiếp xúc công nghệ mới rất nhanh.
Đó chỉ là 1 phân tích, theo tớ cái quan trọng là có 1 cách nào đó như BillGate và Goolge. Người VN ta hay dùng lại ý tưởng hơn là tự sáng tạo ra cái gì đó mới và phù hợp với nước ta...
Bài viết đã phần nào nói lên thực trang ngành cntt ở Việt Nam. Quả thực nhiều người có tâm huyết nhưng đã phải thất vọng với thực tế và kết cục vẫn phải "ở bầu thì tròn ở bí thì dài"
Đúng rồi, VN bán phần mềm lậu quá trời, mua mấy phần mềm nước ngoài rẻ như bèo mà lại hay hơn của VN. Có điều bán mắc quá thì không có ai thèm mua.
Những lời bạn nói là không sai, muốn làm giàu thì phải đi buôn, phi thương bất phú mà. Tuy nhiên điều này cũng không đúng hoàn toàn. Vấn đề là mỗi người có một đam mê, một năng lực riêng. Nếu bạn không thích kỹ thuật, và cảm thấy yêu thích kinh doanh thì hãy bắt đầu với đam mê của bạn, sau vài lần vấp ngã bạn cũng có thể khôn lớn hơn và có thể thành công với con đường kinh doanh của mình. Tuy nhiên có những người đam mê công nghệ, người ta theo đuổi công nghệ, những thành công của họ đem lại cho họ niềm vui hạnh phúc, như thế thà làm kỹ thuật tốt hơn "đi buôn". Với CNTT, VN đang có nhiều chính sách phát triển ngành này, và mục tiêu năm 2025 có 1 triệu LTV cao cấp, chúng ta hoàn toàn có thể phát huy được ưu điểm của người VN, lao động rẻ và cũng rất thông minh => tạo ra của cải cho bản thân và cho đất nước.
Tóm lại, các bạn đam mê kinh doanh thì hãy theo kinh doanh, mà đam mê công nghệ thì cứ theo con đường của mình. Đừng đứng núi này trông núi kia.
so sánh vầy mà cung đi làm CNTT
là dân CNTT mà viết ra bài này thì ko thể chấp nhận dc.
Khi đã lựa chọn 1 nghề nào đó thì trong nó ko chỉ là đồng tiền mà còn có sự yêu thích.
nếu như bạn chú trọng đến đồng tiền vầy tại sao ko chọn kinh tế hay ngoại thương như người ta đi?
Bạn lại nhầm rồi! Cái vấn đề là: Tài sản mình làm ra có giá trị là rất nhiều! Nhưng mà những gì mình nhận được không đáng là bao nhiêu! Trong khi tư liệu lại nằm trong tay mấy thằng sếp! Nên bị bóc lột. Chính vì vậy nên các bạn nên cân nhắc! Nếu thấy quá rồi thì tìm công ty khác mà làm, tôi nghĩ là sẽ có nhiều ct rất tốt đang đợi bạn! Hoặc giỏi hơn nữa thì làm cuộc biểu tình, bãi công đòi tăng lương! (Đam mê, không để ý đến tiền thì có mà chết đói! Con buôn tí cho nó lành!)
ông no_nam nói nhứ thế thì không đúng cho lắm, đồng ý là khi đã có đam mê thì mới có làm, như tôi là dân CNTT, tôi cũng đam mê nó, nhưng đam mê là một chuyện, chằng lẻ đam mê đẻ ra của cải vật chất, đẻ ra mọi thứ để cho bạn tiếp tục cái đam mê ấy ah???
nói đi thì cũng nói lại, đam mê là 1 chuyện tiền bạc là 1 chuyện, dù đam mê cỡ mấy cũng phải tính đến tiền bạc, tôi cũng phải tính đến chuyện tương lai chớ, nhưng mà đã mê CNTT thì biết làm sao giờ, đâm lao phải theo lao thôi!!!
suy nghi~ them 1 chut
Chúng ta cần suy nghĩ thêm 1 chút là dân CNTT chính là những người có khả năng nhất, có điều kiện nhất để tiếp cận những cái mới nhất, những cộng đồng mạng to lớn, những cơ hội tốt nhất... Do đó dân cntt cần phát huy lợi thế này để tạo đc những mối quan hệ rộng rãi sau đó nôm na là để kiếm tiền. Tôi quan niệm hiện nay dân cntt kính cận khù khờ, kém giao tiếp là dân cntt k toàn diện. Bản thân tôi tự cho mình là cũng yếu kém về mặt giao tiếp và đang tự cố gắng cải thiện. Tôi tin những ng theo IT, giao tiếp tốt sẽ vô địch kiếm tiền (tất nhiên có đầu óc kinh tế 1 tí :P)
bài viết này phản ánh đúng thực tế hiên nay. trước khi là con người chúng ta đã là những con vượn người. sẽ có sự đào thải thôi.
Bài viết thật hay và viết đúng với tâm trạng của tôi vào lúc này. Nói như no_name thì không thực tết chút nào. Suy nghĩ của no_name theo tôi chỉ đúng với mấy bạn sinh viên còn đang ngồi trên giảng đường hoặc mới ra trường và vừa tìm được việc nên hãy còn hăng hái và hoài bảo lắm. Riêng đối với tôi và các bạn tôi thì hoàn toàn ngược lại với no_name. Công nghệ thông tin của Việt Nam còn rất yếu kém (nhưng đang được thổi phồng lên rất nhiều) và lệ thuộc phần lớn vào các khách hàng nước ngoài (vì chủ yếu là outsource). Mà các khách hàng hiện nay rất khôn và họ có các hiệp hội ngay tại Việt Nam nên hiểu rất rõ công ty nào gia công giá thấp và tìm tới đó. Và các bạn cũng hiểu rồi, công ty gia công giá thấp thì lương nhân viên sẽ như thế nào? Như công ty tôi đang làm chẳng hạn, làm hoài mà lương thì không lên được bao nhiêu, lệ thuộc hoàn toàn vào khách hàng, không tìm được khách hàng thì sa thải bớt nhân viên, cắt toàn bộ các phúc lợi, lương tháng 13 thì chỉ còn 1/2. Tôi hỏi các bạn với điều kiện làm việc như vậy thì có còn đam mê được không? Và nhất là khi bạn có gia đình, trách nhiệm của mình đối với gia đình rất lớn, với đồng lương thấp thì bạn nghĩ gì?
Túm lại là hãy làm đi! Đi sớm về khuya làm cật lực vào, đam mê vào, phải hết mình vì dự án. Để tiền vào túi sếp cho đầy đã! Song rồi sếp chán tiền thì đùn lại cho nhân viên một ít cũng đủ làm giầu!
@circle: Làm nghề nào và ở đâu cũng vậy cả bạn ơi, nếu bạn không thực sự yêu nghề, không sẵn sàng hết mình vì nghề thì làm gì có được thành công. Nhìn sang bên Mỹ đi, có phải ai cũng là nhân viên của M$ hay Google cả đâu, vẫn có những người thất nghiệp ngoài đường đó thôi.
Cũng như tác giả bài viết này, nếu chỉ so sánh bạn và một người thành đạt nào đó thì quả thật khập khiễng, khách quan mà nói, có phải ai cũng có điều kiện, năng lực, nỗ lực và sự may mắn như nhau đâu. Con buôn thì vẫn đầy người phá sản.
Bạn phải năng động, chủ động làm việc, còn nếu chờ có ưu đãi thì mới bắt đầu làm thì đành chịu vậy.
Làm CNTT ở Việt Nam khó giàu?
Tất cả các bạn đều có lý.
Nemo Nguyen đã nói thay mọi người rất nhiều. Năng động chủ động khác gì "con buôn"
Xem Tivi Online
còn đường nào cũng khó khăn cả. Không có con đường dễ đi
ree....
tôi cũng là dân CNTT,nhưng theo tôi công nghệ đòi hỏi sự sáng tạo, bên cạnh đó thì kinh tế cũng rất quan trọng,trước khi bước chân vào ngành này bản thân tôi cho rằng IT là một ngành giúp tôi phát triển hơn,nhưng 1 con người suốt nagỳ chỉ ngồi 1 chỗ thì làm sao phát triển,dân CNTT được tiếp xúc với cái mới nhiều hơn nhưng lại yếu về giao tiếp,kjh tế cũng chẳng khá giả j`,những lời của bạn đầu tiên viết cũng ko fải là không có lý,đề nghị các bạn xem xét lại để có cái nhìn đúng hơn
m
ở đây tôi chỉ thấy các bạn bàn về lập trình"tại vì nó đang hot chăng?"còn những chuyên nghành khác thì sao,mạng,bảo mật,wed.......?thì sao.tương lai sẽ ra sao?trước đây để sở hữu đươc 1 chiếc máy tính thì quả là khó khăn,nhưng càng ngày ==>điều đó quá dễ dàng phải không,khi mà laptop đang tràn ngập thị trường việt,với giá rất mềm khiến đa số ai cũng sở hữu được nó.hãy nhìn vào dân số máy tính,và đặt ra những gì họ đang cần và sẽ cần...
Gửi người cùng chí hướng
Bài viết này rất hay, nó phản ánh thực tế nhưng lại mang niềm bất mãn về tương lai. Theo tác giả thì công nghệ thông tin được quyết định bởi phần mềm nhưng về phía tôi để phát triển CNTN thì phần cốt lỗi là thông tin.
Các bạn ơi, muốn phát triển CNTT thì cần phải gắn nó với thực tế muốn khoa học hóa công nghệ thì theo mình nó phải được phát triển trên nền tản vật chất.
Vì vậy, CNTT có thể phát triển một cách mạnh mẽ chỉ khi nào nó gắn liền với nền kinh tế và được kinh tế ủng hộ. Bởi lẽ đó, chúng ta có quyền hy vọng sẽ trở thành người toàn diện về công nghệ thông tin nhưng trước hết chúng ta cần phải làm là đưa CNTT đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Các bạn nhìn nhận CNTT là một khoa học được phát triển mang vẻ hào nhoáng và khẳng định các Hãng Google, Microsoft luôn tạo điều kiện để phát triển ngành khoa học này mà không mang tính vụ lợi ư? Vì quan điểm của phương tây "kinh doanh là kinh doanh" nên...!
Cảm nhận về bài viết
Rất cám ơn tác giả bài viết đã nói ra những suy nghĩ chân thật về cảm nghĩ của tác giả.Tôi cũng là một người làm IT cũng có những cảm xuca như vậy và tôi nghĩ dân IT thì hầu hết ai cũng có suy nghĩ như bạn.
Tuy nhiên mỗi người một nghành một nghề
Có thịnh thì có suy
điều mà tôi muốn nói chình là NIỀM ĐAM MÊ
nó quyết định tất cả.........
Cháu là 9x. Năm nay thi đại học. Cháu cũg thích cntt lắm. Nhưng cháu chưa biết nên học ở đâu là tốt nhất. Hiện cháu đang học chuyên toán nên cũng tương đối thỏa mái chọn trường. Các tiền bối tư vấn giúp, xin cảm ơn.
CNTT
CNTT trường ĐH Khoa học Tự Nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM đó bạn. Đây là trường đào tạo công nghệ thông tin nổi tiếng, đạt chuẩn Asian đó bạn
Làm CNTT không phải khó giàu, mà quan trọng là bạn biết cách làm giàu hay không.Nhưng trước tiên tôi muôó noiứ ở đây là nên làm giàu về kiến thức CNTT cái đã, khi đã có kiến thức tương đối vững vàng thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ sáng tạo thêm nhiều ý tưởng mới, cứ thế, rồi một ngày nào đó bạn sẽ làm giàu bằng chính đôi bàn tay và hkốii óc của mình, đừng nản chí, hãy đem hết đam mê để thu thập, tích luy thêm thật nhiều kiến thức.
Dân lập trình chỉ có thể làm việc trong khoảng thời gian ngắn mà thôi. Khi bạn đạt ngưỡng 35-40, thì nếu không trở thành lãnh đạo nhóm hay PM thì khả năng bị đào thải rất cao. Bản thân tôi tốt nghiệp CNTT trường KHTN loại giỏi, tuy nhiên vẫn phải vất vả với đông lương nhỏ nhoi và không biết tương lai về đâu. Với những khó khăn như vậy, thử hỏi có làm phai mờ niềm đam mê từ thời sinh viên hay không???
Ai nói cũng có lý hết cả, mỗi người 1 quan điểm, 1 cách nghĩ khác nhau mà. Nhưng đúng là "làm CNTT ở VN khó giàu" thật, đơn cử như các bác thử tính xem ở VN có bao nhiêu máy tính và bao nhiêu phần trăm trong số đó sử dụng chương trình có bản quyền. Dân VN còn nghèo, dân trí nhiều nơi còn chưa được cao, bảo bỏ ra mấy trăm hay mấy triệu để mua được 1 bản quyền phần mềm liệu có mấy ai. Không phải nói ngoa có khi vừa tiếp thị xong có người "ối giời ơi bằng mấy tạ thóc...!" Nói chung là làm cái gì cũng nên cố gắng kết hợp " con buôn" 1 tí là tốt nhất chứ không phải riêng gì ngành CNTT
Bản thân tôi làm nghề này 22 năm ở nước ngoài. Kết hợp "con buôn" là cái dĩ nhiên, nhưng "con buôn" ở đây không phãi là phát triễn sãn phẫm theo kiểu 'Mì ăn liền" đễ tồn taị hoặc chèn ép giá cã, đi tắt để dành dự án muh là chiến lươc. Muốn làm giàu thì phãi đầu tư, đầu tư theo kiễu ít vốn như PM thì may rũi rất cao. Nghành CNTT ở VN phát triễn rất nhanh thế nhưng nó thiếu sự sáng tao và đa dạng. CNTT rất đa dạng, các bạn phãi chọn 1 hướng đi nhất định và tập trung vào những công nghệ chưa hoặc ít làm đễ phát triễn chẵng hạn như Microsoft đang bị mất ngôi bá chủ desktop OS, ban liệu có nhắm nên đầu tư thêm về lãnh vực windows desktop application ?. Adobe Flash se ko dc hổ trợ trong tuong lai voi sự ra đời cua HTML5, minh se chon cách đi nhu the nao. Vốn đầu tư cũa PM là thời gian đễ mình trỡ thành chuyên gia trong lãnh vực minh chọn. Chọn sai nươc' đi sẽ bị lỗ vốn. Do đó thua lỗ ko tránh dc chẵng khác gì "con buon"
Cháu vừa mới thi ĐH ngành CNTT ! Đọc bài viết này xong cháu cảm thấy lo wa! Chau đam mê CNTT , lập trình và cũng rất muốn làm giàu. Gia đinh cháu đang lam hô sơ cho chau du học bên Mỹ ngành CNTT . Ko bik sẽ thê nào đây! Mấy "sư phụ" cho cháu vài lời khuyên nhé! Chau cam ơn!
Chuẩn không cần chỉnh
Ở Việt Nam buôn lậu phần mềm wá trời. Dân mình nghèo đâu tiền nổi dùng phần mềm bản quyền chỉ xài crack thôi nên CNTT nghèo là fải
Mỗi bạn có 1 suy nghi riêng,mỗi bạn có 1 mục tiêu khác nhau nhưng theo mình nghĩ mỗi ngành đều có ưu điểm và nhược điểm khác nhau.Quan trọng nhất là các bạn phải "Sáng Tạo" không nên quá học theo các nước phát triển mà làm như họ mà phải đánh giá được sự phát triển của nước mình thế nào để đưa ra các đường nối riêng cho chiến lược của bạn.
Bản thân mình cung theo ngành CNTT - IT mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm lắm nhưng mình thấy Việt Nam đang có rất nhiều ưu đãi cho sự phát triển của ngành này.vậy các bạn hãy cùng nhau tìm hiểu và đưa ra cho mình được những đướng nối đúng đắn nhất để đưa sự phát triển CNTT của Việt Nam nên 1 tầm cao mới và có tên tuổi trong khu vực cũng như Thế Giới nha!
Mình nghĩ không ngành nào là không có khó khăn quan trọng là phải biết tìm ra những cách giải quyết hợp lí nhất cho nhưng khó khăn đó, thế bạn mới có thể thành công.
Bạn nói chung chung quá. Theo bạn trong ngành CNTT ở VN định hướng nào sẽ có cơ hội nhất?
Khi các bạn tìm thấy bài viết này để đọc bằng google thì chắc hẳn bạn cũng là một thần dân IT như tôi và cũng sống trong cảnh lương ba cọc ba đồng.
Đọc mà buồn quá
Em là sinh viên ,còn ở trong trường - tuy chưa tiếp xúc với thực tế công việc nhiều nhưng qua anh em họ hàng trong ngành toàn những người than vãn về công việc (đã có người muốn rẽ ngang) .Và phải thừa nhận vấn đề giao tiếp của dân công nghệ rất kém .Làm sao mà tốt được khi mà ngoài thời gian ngủ ra chúng ta dành đến 80 % thời gian để ôm máy tính và internet.Máy tính và internet quả thực đã làm thay đổi đời sống của chúng em rất nhiều - theo một chiều hướng tệ đi .
Có lẽ đã đến lúc cắt dây mạng , đập máy tính và chuyển qua nước ngoài sống thôi ,Việt Nam phức tạp quá