Dự thảo Đề án “Tăng tốc sớm đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT” đã được thảo luận tại toạ đàm với sự tham gia đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý về CNTT tại TP.HCM, đại diện Hội Tin học TP.HCM - HCA, các nhà báo CNTT trong Câu lạc bộ Phóng viên CNTT-VT TP.HCM thuộc Hội Nhà báo TP.HCM - HIPC, đại diện ngành TTTT đã diễn ra trong không khí trang trọng và cởi mở nhằm mang đến những phương án hiệu quả phát triển CNTT nước nhà. Đến nay, nhiều vấn đề vẫn đang được xem là nóng về một nền CNTT mạnh trong tương lai.

Dự thảo đề án nêu rõ hai mục tiêu chính đã đề ra là đến năm 2015, Việt Nam sẽ đứng thứ 70 trở lên trong các bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 17 - 20% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm gấp từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Và đến năm 2020, Việt Nam đứng thứ 60 trở lên trong các bảng xếp hạng của ITU về CNTT; Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT chiếm tỷ trọng 20 - 23% trong GDP; Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm lớn hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Phát triển hạ tầng viễn thông di động băng rộng: Cần một bước đi lâu dài

Đế án nêu rõ, đến năm 2015 sẽ phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 70% dân cư trên cả nước và phủ 90% vào năm 2020. Đây là mục tiêu khó thực hiện vào lúc này nếu không có sự liên thông giữa các mạng di động. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra cho việc phát triển 3G của Vinaphone khoảng 7 năm mới phủ sóng được tỉnh lỵ và huyện lỵ. Do đó, thật quá vội vàng cho một bước nhảy vọt cho nhiều mạng di động khác.

Theo đại diện của Vinaphone cho hay, quá trình triển khai mạng 3G của VinaPhone sẽ trải qua 5 giai đoạn chính: Giai đoạn 1, VinaPhone sẽ phủ sóng 20% dân cư ngay sau khi khai trương dịch vụ; Giai đoạn 2, sẽ phủ sóng 50% dân cư sau 3 năm hoạt động; Giai đoạn 3, sẽ phủ sóng 75% dân cư sau 5 năm hoạt động; Giai đoạn 4 và 5, sẽ phủ sóng đến 90% dân cư sau 10-15 năm cung cấp dịch vụ 3G. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế thì con số này nhỏ hơn nhiều so với nhữn gì mà Vinaphone cung cấp.

Về phía MobiFone, ông Lê Ngọc Minh nói quyết tâm đầu tư để trở thành mạng 3G lớn nhất Việt Nam. Sau khi được cấp phép trong vòng 3 tháng, MobiFone sẽ có ngay cuộc gọi trên mạng 3G đầu tiên. “Ngay sau khi giành giấy phép, chúng tôi có kế hoạch ngay trong pha đầu, phủ sóng 63 tỉnh, thành 3G trên toàn quốc, đặc biệt, tại những tỉnh, thành đông dân cư. Pha đầu tiên, theo như cam kết, sẽ hoàn thành sau khi nhận giấy phép 3 tháng. Tiếp theo đó, trong 3 năm sau đó, chúng tôi phủ sóng 3G đến 98% dân số”, ông Lê Ngọc Minh nói.

Đối với Viettel, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã có kế hoạch phủ sóng đến hầu hết các tỉnh, thành phố, thị xã ngay từ năm đầu tiên (khoảng 30% dân số có thể sử dụng được dịch vụ). Tuy nhiên, thời gian đầu dịch vụ 3G phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp. 3 năm sau sẽ cung cấp 50%, 5 năm sau phát triển dịch vụ cung cấp cho 79% và 10 năm sẽ phủ sóng 100%. Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu này sẽ sớm đạt được bởi nguồn kinh phí dành cho phần này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn kinh phí thực hiện.

Mục tiêu chưa rõ ràng cho ngành công nghiệp phần mềm và phần cứng

Theo Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký HCA cho biết, HCA đã họp ban chấp hành và ban chủ nhiệm CLB PV CNTT-VT để đưa ra ghi nhận thực tế khách quan tình hình. “Chúng tôi đã nhận định mục tiêu năm 2015, CNTT-VT đạt 17% - 20% GDP là quá cao vì chúng tôi hiểu đó là từ việc chúng ta sẽ sản xuất được bao nhiêu chứ không phải chúng ta sẽ mua sắm hết bao nhiêu. Chúng tôi thấy dự thảo đề án không đề cập kế hoạch, giải pháp gì”. Theo ông Nghệ, cơn khát nguồn nhân lực CNTT đang lên đỉnh, cần có kế hoạch đáp ứng gấp.  

Cùng ý kiến đó, Ông Ngô Văn Vị, Tổng Giám đốc VTB, đại diện doanh nghiệp phần cứng nói: “Tên đề án là mục đích nhưng nội dung đề án lại không thể hiện được. Không thấy nói tới cơ chế đánh giá, kiểm soát thực hiện đề án. Phải có kiểm tra, điều chỉnh để thực hiện mới mong thắng lợi. Có cảm giác là các tác giả đề án chưa tâm huyết với nó và ngành CNTT”.

Về phát triển phần mềm thì theo Ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC, đại diện doanh nghiệp phần mềm cho hay mục tiêu lọt vào 1/10 nước vào năm 2020 thì khó quá! Tuy nhiên, vấn đề là ai đánh giá những xếp hạng này? Khi nhìn sâu vào những mục tiêu nội dung với phát triển Công nghệ Phần mềm thì chưa thấy lợi ích nào với công ty phần mềm cả, ngay cả khi nếu dự án thành công. Trong khi đó, Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thăng thì lại băn khoăn vì đề án chưa nêu rõ chính sách cho doanh nghiệp phục vụ những công việc này cũng như không thấy điểm hỗ trợ doanh nghiệp nào. "Vấn đề khảo sát, tôi cho rằng đề án không thực tế. Việc tổ chức thực hiện phải chi tiết hơn thì doanh nghiệp mới tiếp cận được. Việc chia giai đoạn khá dài như trong đề án không hợp với tốc độ thay đổi, phát triển công nghệ trên thế giới. Phải có kiểm tra thường xuyên”, Ông Hoàng nhấn mạnh.

Sẽ có đề xuất

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM - HCA cho biết, HCA sẽ họp ban chấp hành và có những đề xuất đóng góp cụ thể, chi tiết cho đề án với mong muốn là để đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành. Ngay tại toạ đàm, ông Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch HCA khoá 2-3 gợi ý những đề xuất đơn giản như: “Đề án không nên bao gồm truyền hình. Cần có định nghĩa chuẩn hơn về quốc gia mạnh về CNTT. Ví dụ là quốc gia ứng dụng CNTT có hiệu quả cao và tham gia vào nền sản xuất CNTT thế giới với khối lượng đáng kể. Thành quả ngành viễn thông những năm qua là rất ấn tượng, không cần phải đặt nặng phát triển lĩnh vực này mà nên chú trọng vào những cái chúng ta còn yếu. Phải nhấn mạnh ứng dụng vào doanh nghiệp. Phải có chính sách thoả đáng với ứng dụng vào doanh nghiệp. Phải phát triển những nội dung số cho xã hội học tập, bằng tiếng Việt…”.

Nhìn chung, đề án cũng đã đưa ra những mục tiêu chung để phát triển CNTT nước nhà. Nhiều đại biểu cho rằng cần có lộ trình cụ thể cho từng thời điểm và phải có hướng phát triển cụ thể hơn là cứ đưa mục tiêu chung và không nêu phương hướng thực hiện.

M.Đ (tổng hợp)



Bình luận

  • TTCN (0)