2010 vốn được đánh giá là một năm khá khốc liệt của thị trường CNTT, Viễn thông Việt Nam. Khó khăn vẫn còn được giới chuyên môn nhận định sẽ lan sang cả năm 2011, ảnh hưởng trực tiếp tới một số dịch vụ, công nghệ cụ thể.
Thuê bao 2G sẽ tăng trưởng chậm lại
Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai đã cho rằng, năm 2011 này, thị trường viễn thông vẫn sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng chắc chắn, tốc độ sẽ không còn nhanh so với các năm trước.
Cơ quan quản lý nhà nước nhìn nhận, rất có thể, lượng thuê bao 2G sẽ không còn phát triển mạnh như năm 2010 trở về trước nữa mà sẽ tăng trưởng chậm lại, nhường bước cho 3G, 4G có thể khẳng định vị thế trên thị trường.
Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, về số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ viễn thông, đặc biệt là thuê bao di động 2G, với dân số khoảng 90 triệu dân, sau giai đoạn phát triển “nóng”, đã đến giai đoạn bão hoà về mặt số lượng.
Chủ trương chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông không phải là chạy theo số lượng thuê bao mà mục tiêu chính trong giai đoạn tới là phải tập trung vào vấn đề nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Chính vì vậy, trong năm 2011, thị trường sẽ tập trung mạnh cho tăng trưởng về chất.
ADSL bị Internet băng rộng di động lấn lướt?
Nhiều người cho rằng đây sẽ là một xu hướng của năm 2011. Tuy nhiên, cũng có quan điểm lại hoàn toàn khác.
Sau hơn 1 năm doanh nghiệp Việt chính thức cung cấp dịch vụ công nghệ 3G, với những ưu thế về băng rộng, phương thức truy cập Internet qua sóng 3G đang dần khẳng định vị thế của mình với người dùng. Sự bùng nổ 3G đang với xu hướng bình dân hóa và nhiều người đã chọn sang phương thức truy cập Internet băng rộng mới này thay cho Internet ADSL.
Tuy nhiên, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng như các chuyên gia công nghệ khẳng định, 3G và ADSL vẫn sẽ luôn cùng đồng thời phát triển, và không “anh” nào có thể lấn sân “anh” nào. Lý do: Đối tượng khách hàng của 2 loại hình dịch vụ công nghệ này khác nhau.
Tính năng của băng rộng di động 3G, 4G sẽ chỉ phù hợp với cá nhân, còn ADSL phù hợp với doanh nghiệp, hộ gia đình. Nếu dùng ADSL thì chỉ cần một cổng là có thể chia thành nhiều cổng khác cho nhiều người dùng.
Còn nếu dùng 3G thì không thể dùng chung, mỗi cá nhân phải có một máy riêng. Hiện tại và trong thời gian tới, gười dùng ADSL sẽ được hưởng chất lượng dịch vụ ổn định hơn, giá cả thấp hơn hẳn cho với công nghệ 3G.
Và vì vậy, khi triển khai ADSL và băng rộng, các doanh nghiệp đều có chính sách phát triển riêng. Bên nào phục vụ được người sử dụng thì bên đó sẽ phát triển hơn, chứ không thể có chuyện ADSL sẽ suy thoái và băng rộng lên ngôi.
Điện thoại cố định dần mất khách
Theo con số thống kê mà Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, hết năm 2010, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt dộng trên toàn mạng Việt Nam là 162,88 triệu, trong đó di động chiếm 91,2%. Dễ dàng nhìn thấy, tốc độ tăng trưởng của thuê bao di động ngày càng bỏ xa dịch vụ điện thoại cố định.
Thực tế này khiến các doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ điện thoại cố định phải thừa nhận, doanh thu đạt được từ dịch vụ giảm đáng kể thậm chí còn… lỗ. Chỉ riêng ở Hà Nội hiện nay, mỗi năm doanh nghiệp đang bị mất đi khoảng 60 ngàn thuê bao điện thoại cố định. Theo dự kiến, năm 2010, doanh thu từ dịch vụ điện thoại cố định của VNPT Hà Nội chỉ đạt khoảng 1.170 tỷ đồng, giảm trên 10% so với trước. Và “bức tranh” ảm đạm này các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định sẽ còn tiếp diễn trong năm 2011.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã phân tích, xu hướng giảm của điện thoại cố định không chỉ có ở Việt Nam mà nó là tình trạng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tất yếu này diễn ra khi bị dịch vụ di động lấn át. Dịch vụ di động đã chứng minh được sự thuận tiện, người dân sẽ dùng gì thuận tiện là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa, điện thoại cố định sẽ không còn những tác dụng và tất cả mọi người đều quay lưng lại với nó. Dù không còn tốc độ tăng trưởng như những thời hoàng kim, song mỗi năm, điện thoại cố định vẫn phát triển được con số hàng triệu thuê bao, vẫn có hàng triệu khách hàng lựa chọn điện thoại cố định là phương tiện liên lạc hữu hiệu nhất.
Không phải thời điểm nào cũng là sự lựa chọn số một với người dùng nhưng với nhiều thời điểm như lễ tết, vào mỗi dịp giao thừa, khi nhu cầu liên lạc tăng cao, khi nghẽn mạng, điện thoại di động đã trở thành “cục gạch” bất đắc dĩ, điện thoại cố định lại là cứu tinh.
Những khuyến nghị như thế này vẫn thường xuất hiện vào dịp cuối năm: để san tải cho di động, khách hàng nên sử dụng điện thoại cố định để liên lạc với bạn bè, người thân vào thời điểm lưu lượng cuộc gọi tăng lên cao điểm lúc giao thừa, đón năm mới.
Theo VnMedia
Bình luận