Với sức nóng tăng trưởng trong thời gian vừa qua, Việt Nam giành được nhiều thành tựu trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, đằng sau đó, nhiều nguy cơ tiềm ẩn của sự phát triển không bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc viễn thông Việt phải có sự thay đổi cả về chất và lượng, tập trung vào thực chất.
Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông cao nhất thế giới. Tính đến hết tháng 4/2010, cả nước đã có 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động chiếm 87,2%. Mật độ điện thoại đạt tới 164 máy/100 dân.
Đây là một con số vượt xa dự đoán của cơ quan quản lí nhà nước rất nhiều lần. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra chỉ tiêu cho ngành trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) cũng chỉ ở mức 35 máy/100 dân. So với con số ở thời điểm hiện tại, sức bật về phát triển điện thoại ở Việt Nam đã tăng lên tới gần 5 lần.
Internet băng rộng của Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng đột biến. Đến nay, toàn quốc có trên 23,6 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 27,6%. Tổng số thuê bao băng rộng của Việt Nam đạt 3,2 triệu với mật độ 3,74 máy/100 dân.
Đây quả thực là những con số phát triển đầy ấn tượng của viễn thông Việt Nam. Thế nhưng, đằng sau thành tựu này, không ít lần ngay cả lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ sự lo ngại về một nguy cơ của sự phát triển không bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin di động.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai từng phát biểu, với sự bùng nổ về phát triển điện thoại hiện nay của Việt Nam, chỉ tiêu mật độ điện thoại/100 dân vốn được đưa vào các nghị quyết, chương trình phát triển của quốc gia trước đây giờ không còn phản ánh được chính xác tình hình đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nghe nhìn nữa. Một người dân có thể có tới 5-7 số thuê bao điện thoại trong khi đó có người lại không có số nào…
Đây là hệ quả của những cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng cung cấp dịch vụ di động. Để giành thị phần, nào là giảm giá cước, khuyến mại khủng… những “chiêu” nào có thể hút khách hàng đều được các nhà mạng tung ra.
Đặc biệt, các chương trình khuyến mãi cũng nở rộ với tần suất lớn khiến cơ quan quản lí nhà nước đã phải thổi còi. Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã hơn một lần ra văn bản nhắc nhở các hãng di động không được khuyến mãi vượt quá 50%, lần gần đây nhất là quý III/2009. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của lĩnh vực viễn thông, văn bản này cũng không điều chỉnh hết được tất cả các nội dung, do đó hoạt động khuyến mại trong lĩnh vực thông tin di động vẫn chưa được quản lí một cách chặt chẽ.
Và để quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với lĩnh vực khuyến mại di động, ngày 14/6 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 11/TT-BTTTT về khuyến mại trong lĩnh vực thông tin di động nhằm hoàn thiện thêm một bước hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lí lĩnh vực viễn thông, nhằm tạo lập môi trường phát triển thông tin di động theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, bình đẳng, công khai minh bạch, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững nhằm mang lại lợi ích lâu dài cho người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Ngày 1/7/2010, Thông tư 11 sẽ chính thức được áp dụng, trùng với thời điểm Luật Viễn thông của Việt Nam cũng sẽ có hiệu lực thi hành. Giới chuyên môn kỳ vọng, từ nay, viễn thông Việt sẽ có một sự phát triển bền vững, thực chất nhất. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp viễn thông nội có cơ hội xốc lại chính mình, điều chỉnh các chính sách phát triển sao cho hợp lí nhất, vẹn mọi đường từ lợi ích nhà nước, doanh nghiệp tới người dùng.
Theo VnMedia.
Bình luận
Mình nghĩ đây là giai đoạn bùng nổ (về số lượng) ,tất cả các mạng tập trung vơ vét tất cả các miếng bánh thị phần ngày càng nhỏ dần .Và tới một mức bão hoà thị phần rồi lúc đó sẽ là cuộc chơi của chất lượng để "giành miếng ăn" của nhau .(Hj .!Có ai cùng ý kiến không)
Mấy nhà mạng bây giờ làm ăn còn chán lắm, chất lượng không được như mong muốn. Mình dùng Viettel mà lắm lúc còn ko gửi được tin nhắn