Công báo đã chính thức được đưa lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ từ ngày 10/8/2010 theo chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ. Công báo là ấn phẩm thông tin pháp lí chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Chính phủ thống nhất quản lí.
Văn bản pháp luật đăng trên Công báo có cùng giá trị với văn bản gốc, là văn bản chính thức duy nhất cùng văn bản gốc dùng để đối chiếu và sử dụng trong mọi trường hợp khi có sự khác biệt giữa văn bản đăng trên Công báo và văn bản có từ các nguồn khác hoặc khi có sự tranh chấp pháp lí.
Nghị định cũng chỉ rõ, Công báo bao gồm Công báo in và Công báo điện tử, Thủ tướng Chính phủ quy định riêng về hoạt động của Công báo điện tử.
Hiện tại, Công báo in do Vụ Hành chính (Văn phòng Chính phủ) thực hiện, còn Công báo điện tử được giao cho Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, vận hành, quản lí.
Quyết định 83/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có quy định Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có chức năng tổ chức, quản lí và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ trên Internet, trong đó có nhiệm vụ đưa Công báo điện tử lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Việc đưa Công báo điện tử lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (tức lên không gian mạng toàn cầu) là một trong những chủ trương của Chính phủ nhằm đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu văn bản pháp luật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Việc xuất bản Công báo điện tử trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ rất thuận tiện cho người dân, đồng thời giúp tiết kiệm nhân lực, ngân sách, cơ sở hạ tầng kĩ thuật, tập trung đầu mối thông tin, bổ sung làm giàu kho dữ liệu điện tử của Chính phủ trên Cổng Thông tin điện tử, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện sự chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, từ ngày 10/8/2010, Công báo điện tử đã được đưa lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Trong ít ngày tới, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ hoàn thiện dần về cách thức thể hiện, nâng cấp kĩ thuật, công nghệ để Công báo điện tử ngày càng thuận tiện hơn nữa cho người truy cập, khai thác Công báo qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Hiện, Nghị định về Công báo của nước CHXHCN Việt Nam, thay thế Nghị định số 104/2004/NĐ-CP, do Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo, đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân và sẽ được Chính phủ thông qua, ban hành trong một ngày gần đây.
Dự thảo Nghị định này có bổ sung một số nội dung về Công báo điện tử.
Địa chỉ: http://congbao.chinhphu.vn
Theo ICTnews
Bình luận
Thông tin của Chính phủ phải đến được với người dân
Có lẽ người dân sẽ rất vui khi đón nhận tin này. Trước đây việc tìm một văn bản của Chính Phủ, Quốc Hội từ những nguồn đáng tin cậy rất khó khăn. Tôi nghĩ rằng việc công bố những văn bản này là rất cần thiết, nó chứng tỏ một Chính Phủ mong muốn sự minh bạch và trung thực trong điều hành. Phải chi người dân được tiếp xúc thêm các nguồn tài liệu khác như báo cáo của các bộ ngành, văn bản của các cơ quan Lãnh đạo Đảng thì hay vô cùng. Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng không cần phải dấu diếm hay che đậy gì các hoạt động của Đảng và Nhà nước, trừ những văn bản liên quan đến các vấn đề mang tính nội bộ hoặc ảnh hưởng tới ngoại giao và anh ninh quốc gia. Những văn bản khác liên quan tới điều hành, lãnh đạo, hoạt động của Đảng và Nhà nước cũng nên đưa lên một trang chính thống. Nó chẳng những giúp giảm chi phí in ấn, phát hành, mà còn giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về hoạt động của Nhà nước. Việc ấn hành các văn bản ở các ngôn ngữ khác cũng rất quan trọng (tiếng Anh, Nga, Hoa, Pháp..). Nó giúp các nước hiểu ta hơn, đồng thời đây cũng là kho dữ liệu tốt để phục vụ các nghiên cứu về hành chính, chính trị của Việt Nam, nhất là đối với du học sinh, việc tìm văn bản của Việt Nam bằng tiếng Anh là cả một vấn đề gay go, do vậy, đôi lúc muốn viết một đề tài về đất nước mình thì không thể tìm đâu ra nguồn dẫn chứng chính thống.
Sao không để link bằng liên kết cho người đọc dễ dàng truy cập?
http://bit.ly/b5wDuA