Thu nhập “khó sống”, môi trường làm việc thiếu năng động… là những vấn đề lâu nay khiến cho nhân lực CNTT trong cơ quan Nhà nước tại các địa phương “than trời”.
Thêm phụ cấp cũng khó hấp dẫn
Từ kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Văn An – Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng nêu lên một thực trạng đáng lo ngại về nguồn nhân lực CNTT, nhất là nhân lực chất lượng cao tại địa phương: Hiện các xã, phường của Hải Phòng đều đề xuất cần có kỹ sư chuyên trách về CNTT. Như vậy, chưa kể tới các đơn vị khác như cấp quận, huyện, sở, ngành, nếu tính theo số lượng 223 xã, phường thì… sơ sơ cũng đang cần khoảng 223 kỹ sư chuyên trách về CNTT. Và theo quan điểm của ông An, trong khoảng 5 năm tới, khi hoạt động ứng dụng tại các cơ quan Nhà nước đi vào chiều sâu, phải quản lý các ứng dụng phức tạp hơn thì trình độ nhân lực CNTT cũng phải theo kịp sự phát triển chứ không đơn thuần là việc quản lý máy tính, quản lý hoạt động mạng Internet… như hiện nay.
Theo nhận định của đại diện một số Sở TT&TT tại hội thảo “Mô hình một cửa điện tử” được Bộ TT&TT tổ chức cuối tháng 9 tại Hải Phòng, trong thời gian 1-2 năm gần đây, một số địa phương đã bước đầu tìm được hướng đi cho riêng mình trong việc tìm lời giải cho bài toán thu nhập của nhân lực CNTT, nhất là đối tượng chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước tại địa phương trong việc xây dựng được cơ chế phụ cấp.
Hơn một năm trước, Bình Dương đã trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc mạnh dạn đưa ra cơ chế phụ cấp cho những người làm công việc chuyên trách CNTT trong các cơ quan Nhà nước: nếu có bằng đại học chuyên ngành CNTT ngoài mức lương hàng tháng còn được hưởng thêm phụ cấp 2 triệu đồng, còn với trình độ cao đẳng thì được 1,5 triệu.
Đánh giá của đại diện một số Sở TT&TT cũng cho thấy, đến thời điểm hiện nay, tuy không được như Bình Dương nhưng nhiều địa phương cũng đã xây dựng được mức phụ cấp 1,5 triệu đồng cho cán bộ chuyên trách CNTT tốt nghiệp đại học, 1 triệu đồng cho người có bằng cao đẳng.
“Việc đưa ra cơ chế phụ cấp như vậy là một “bước tiến” dành cho đối tượng cán bộ chuyên trách CNTT, bước đầu “gỡ khó” được bài toán liên quan đến thu nhập... Tuy nhiên, xét ở khía cạnh lâu dài thì đây cũng chỉ là một biện pháp tạm thời”, ông Tô Trọng Tôn – Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lào Cai nhấn mạnh, đồng thời cũng nêu ra thực trạng đáng lo ngại: “Dù được trợ cấp, nhưng do công việc liên quan đến CNTT trong các đơn vị thường không nhiều, do vậy một kỹ sư CNTT chỉ làm những việc như thỉnh thoảng xử lý máy gặp trục trặc, diệt virus… thì không sớm muộn sẽ khó có ai có thể kiên trì đồng hành cùng các cơ quan, tình trạng chảy máu chất xám sẽ vẫn phổ biến…”.
Mô hình đơn vị sự nghiệp sẽ hiệu quả hơn?
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn An – Giám đốc Sở TT&TT Hải Phòng cho biết: “Để tạo thêm công việc và giải quyết được bài toán thu nhập, thu hút nhân lực có trình độ cao thì cách làm hiệu quả là nên chuyển đổi các trung tâm CNTT sang mô hình đơn vị sự nghiệp có thu để bên cạnh việc phục vụ mục đích chính trị còn có thể tự vận động theo quy luật cạnh tranh. Nếu phát triển tốt, thu nhập của nhân lực CNTT sẽ cao hơn”. Ông An cũng chia sẻ thông tin hiện nay một số quận, huyện của Hải Phòng đã chuyển đổi mô hình hoạt động nhà văn hoá thành trung tâm thông tin và truyền thông, trong đó làm một số dịch vụ liên quan đến đào tạo CNTT của địa phương và bước đầu cho thấy thu nhập của nhân lực CNTT đã được cải thiện.
Đồng quan điểm, ông Trần Duy Bình- Phó Giám đốc Sở TT&TT Thanh Hoá chia sẻ: Thanh Hoá đã xây dựng được trung tâm sự nghiệp về CNTT (trực thuộc Sở TT&TT) với 20 nhân lực, trang thiết bị hiện đại. Sắp tới, trung tâm này sẽ thu hút thêm nhân lực, đồng thời cũng trở thành cầu nối với các doanh nghiệp trong tỉnh để tập trung chất xám cho ứng dụng CNTT, đủ năng lực để thực hiện các dự án CNTT phức tạp.
Trao đổi thêm về giải pháp đặc thù nhằm tăng thêm việc làm, thu nhập cho nhân lực CNTT, đại diện Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Để tạo điều kiện, cơ hội việc làm cho các trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT&TT…, tỉnh cũng có cơ chế “vượt rào” đặc thù để các đơn vị có thêm việc làm như đối với một số dự án CNTT do tỉnh triển khai sẽ ưu tiên hơn so với doanh nghiệp bên ngoài. Còn đối với nhân lực chuyên trách về CNTT trong cơ quan Đảng, Thành uỷ, khi được tuyển vào họ sẽ được tuyển thẳng vào diện công chức chứ không phải hợp đồng để tạo tâm lý ổn định công việc”.
Trong khi các địa phương vẫn còn đang loay hoay đi tìm lời giải tiếp theo cho bài toán cải thiện thu nhập cho nhân lực CNTT, nhất là đối tượng chuyên trách CNTT, thì có ý kiến cho rằng các địa phương, trực tiếp là các Sở TT&TT, nên chăng cần ngồi lại với nhau để tìm ra một mô hình hay cách thức tổ chức hiệu quả để các địa phương cùng áp dụng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Phi – Chủ tịch UBND quận Ngô Quyền (Hải Phòng) nhấn mạnh: “Để tìm ra giải pháp, hướng đi hiệu quả thì các đơn vị, địa phương phải căn cứ vào thực tiễn phát triển của mình để từ đó xác định, xây dựng cơ chế đặc thù chứ khó có thể tìm được một giải pháp để áp dụng chung”.
Việc đi tìm giải pháp nào để thu hút nhân lực CNTT, hạn chế “chảy máu chất xám” là một bài toán không dễ giải không chỉ với riêng Hải Phòng trong những năm tới, mà còn được đặt ra cấp bách đối với tất cả các địa phương trong nước.
Theo ICTNews
Bình luận