Nghị định 25/2011/NĐ-CP được coi là hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp viễn thông không được khuyến mại bằng việc giảm cước dịch vụ viễn thông mới chính thức có hiệu lực, nhưng thị trường di động Việt Nam thực sự đã“rất nóng” từ trước đó.
“Nếu một mạng di động không có khuyến mại thì xem như mạng di động ấy tự đào mồ chôn mình”, một chuyên gia khẳng định. Ngay cả các mạng lớn cũng đã đầu tư rất nhiều tiền cho việc khuyến mại để giữ chân người sử dụng và thu hút thêm các thuê bao hòa mạng mới.
Ai thiệt?
Nghị định mới của Chính phủ có hiệu lực từ 1/6/2011, nội dung gồm 46 điều quy định chi tiết về kinh doanh dịch vụ viễn thông; thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông; cấp phép viễn thông; tài nguyên, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng và giá cước viễn thông và công trình viễn thông. Quy định này ngay lập tức khiến các mạng di động nhỏ lo ngại.
“Nghị định 25/2011/NĐ-CP gồm các điều khoản qui định chi tiết: các doanh nghiệp viễn thông không được khuyến mại bằng việc giảm giá cước dịch vụ viễn thông, giảm giá hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa dịch vụ viễn thông chuyên dùng do Nhà nước quy định giá cụ thể và không được khuyến mại giảm cước thấp hơn mức tối thiểu đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dùng do Nhà nước quy định khung giá hoặc giá tối thiểu”.
Theo các chuyên gia, từ trước tới nay, khuyến mại là giải pháp chủ lực mà các mạng di động thực hiện, nhất là với các mạng nhỏ. “Nếu không có khuyến mại cực khủng trong quá khứ như của S-Fone, HT Mobile, Beeline, EVN Telecom và thậm chí là cả Viettel thì những mạng này đã không có được một lượng người dùng đông đảo như vậy” – một nhà phân tích lý giải.
Những khách hàng có thu nhập thấp như học sinh, sinh viên, công nhân, lao động giản đơn… cảm thấy lo ngại trước việc từ nay sẽ không còn được tặng nhiều tiền khi mua thẻ cào mới, SIM mới nữa. Theo Hùng – Sinh viên Trường ĐH Văn Hóa Hà Nội, từ trước tới nay, mỗi khi nghe thông báo có khuyến mãi 100% thì anh mới mua thẻ nạp cho điện thoại còn không thì sẽ thay SIM mới - vốn luôn có những khoản tiền thưởng khá lớn trong trong tài khoản (bằng 300%-400% hoặc thậm chí 500% giá trị tiền bỏ ra mua SIM, chẳng hạn bỏ ra 50.000 đồng sẽ mua được SIM có tài khoản lên từ 150.000 -200.000 hoặc 250.000 đồng).
Trái với sự ảm đảm của người tiêu dùng và các mạng nhỏ, nhiều mạng lớn lại tỏ ra hân hoan trước sự kiện này. Trong quá khứ, trước việc “chịu không nổi” trước áp lực khuyến mại đến từ mạng nhỏ, các mạng di động lớn tại Việt Nam đã phản ứng và gửi đơn cho Bộ Thông tin & Truyền thông yêu cầu không cho khuyến mại dưới một giá trần nhất định. “Với 40 triệu khách hàng, nếu chỉ khuyến mại 500 đồng thôi thì mạng lớn mất tới 20 tỉ đồng trong khi mạng nhỏ với 1 triệu tài khoản chỉ thiệt 500 triệu đồng” – đại diện một nhà mạng cho hay. Quy định mới, được tin là sẽ bảo vệ cho mạng lớn tránh bị thua lỗ quá mức trong cuộc đua khuyến mại.
Vượt rào
Trước việc các mạng di động “đua” nhau khuyến mại một cách rầm rộ khiến thị trường di động trở nên bất ổn, Bộ Thông tin & Truyền thông từng ra quy định không cho các nhà mạng khuyến mại vượt quá 50% giá trị vật chất của một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. Tức là thẻ nạp 50 nghìn thì khuyến mãi chỉ tối đa 25 nghìn. Quy định này cũng được xem là một cách để ngăn chặn việc khuyến mại không kiểm soát trên SIM để thu hút thuê bao hòa mạng mới vốn khiến yếu tố “ảo” trong thị trường di động Việt Nam lên rất cao với 150 triệu thuê bao cho tổng số 100 triệu dân.
Có mạng sau đó đã “xé rào” bằng thủ thuật chia tài khoản người dùng ra nhiều loại khác nhau (tài khoản GPRS, tài khoản thưởng, tài khoản SMS, tài khoản thoại,…” và khuyến mại cho mỗi tài khoản… 50%. Dù thực hiện đúng quy định của Bộ nhưng tổng khuyến mại của nhà mạng này có thể lên tới hơn… 200%.
Theo các chuyên gia, có thể các mạng nhỏ sẽ đẩy mạnh việc tăng cường ưu đãi cho thuê bao hiện có và các thuê bao hòa mạng mới theo các cách không khuyến mại nhưng mang tính hỗ trợ dài hạn như tặng 3 triệu trong 3 năm của S-Fone, tặng 6 tiếng gọi điện thoại miễn phí mỗi ngày của EVN Telecom,… đã làm.
Theo các chuyên gia, về mặt quản lý vĩ mô thì giải pháp quản lý này là hoàn toàn hợp lý để kềm tỏa sự cạnh tranh của các mạng di động Việt Nam không đi quá mức giới hạn gây bất ổn cho cả doanh nghiệp và thị trường viễn thông di động. Với lượng khách hàng áp đảo lên tới hơn 20 triệu người sử dụng, các mạng lớn không cần phải nỗ lực tìm kiếm thêm các khách hàng mới mà chỉ việc tập trung “chăm sóc” các khách hàng hiện thời của mình thì chắc chắn cũng đã thu được những khoản lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, một điều chắc chắn là người tiêu dùng sẽ không còn có được những ưu đãi gây “sốc” như trước đây nữa, điều mà không phải ai cũng muốn.
Theo XHTT
Bình luận
thật là bất công..
Dĩ nhiên kinh doanh mà bị nhà nước xía vào thì việc cạnh tranh sẽ bị giảm sút đáng kể. Trong khi đó những người quản lí thì lại không phải là những chuyên gia kinh tế hay liên quan gì tới viễn thông. Những quyết định của họ lại mang tính chất quyết định đến mạng di động và cả người tiêu dùng. Chúng ta không cho khuyến mãi nhưng giá sàn cước di động hiện nay vẫn không hề rẻ. Vậy sao không tạo điều kiện để các mạng di động tối ưu hóa nhân sự và nguồn lực, cắt giảm các chi tiêu để đạt hiệu suất cao nhất. Góp phần vào phát triển kinh tế đất nước không hơn việc áp đặt và gây sức ép như vậy. Những nhà mạng lớn như Vinaphone, Mobiphone, Viettel là những nhà mạng do nhà nước quản lí và đang giành lợi thế chiến lược. Các mạng còn lại đa số là vốn đầu tư nước ngoài. Họ đầu tư vào VN thì ban đầu cũng tính đến việc bị thua lỗ vậy tại sao không để người tiêu dùng hưởng lợi từ những chính sách cạnh tranh của họ. Liệu trong 3 nhà mạng lớn nhất VN đó thì liệu có nhà mạng nào làm ăn thua lỗ hay không