HP đã quyết định ngừng phát triển máy tính bảng và điện thoại dựa trên WebOS. Đây có lẽ là đòn chí mạng cho một hệ điều hành di động từng được xem là đầy triển vọng.
Hôm thứ Năm (18/8), HP công bố sẽ dừng việc phát triển các dòng thiết bị chạy hệ điều hành WebOS, bao gồm HP Veer 4G, HP TouchPad, và cả smartphone HP Pre 3 chưa kịp ra đời. Cái chết của các thiết bị WebOS là tin buồn, nhưng lại không mấy gây ngạc nhiên. Toàn bộ hành trình của WebOS đã lạc lối từ rất sớm, và mọi thứ diễn ra ngày càng tồi tệ.
Khởi đầu trục trặc của WebOS
PDA của Palm đã từng có thời làm mưa làm gió trên thị trường, nhưng rồi tình hình kinh doanh trở nên tệ đi khi ngày càng có nhiều smartphone của các hãng xuất hiện, và Palm cũng bắt đầu “lơ” dòng PDA truyền thống của mình để hướng sang smartphone. Tín hiệu có vẻ khởi sắc khi có tin đồn vào cuối năm 2008 rằng Palm sẽ làm sống lại nền tảng của nó. Tuy nhiên, Palm OS cài trên một số PDA và smartphone đầu tiên (như Pilot, Treo, và Centro), đã không có được những tính năng cũng như mức độ thẩm mỹ đủ sức cạnh tranh với các hệ điều hành iPhone, BlackBerry OS của RIM, và thậm chí cả với Windows Mobile.
Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng CES diễn ra đầu năm 2009 (Consumer Electronics Show 2009), Palm đã tổ chức một sự kiện truyền thông lớn, ra mắt hệ điều hành mang cái tên mới WebOS cùng chiếc điện thoại mới Palm Pre chạy nền tảng này. Palm dường như đã sẵn sàng cho cuộc chiến chống iPhone với Jon Rubenstein (cựu kỹ sư của Apple, có nhiều công lao trong sự ra đời của iPod) ở vị trí lãnh đạo. WebOS dường như có tất cả: giao diện người dùng tuyệt đẹp, điều hướng cảm ứng thân thiện, hỗ trợ đa nhiệm, hệ sinh thái ứng dụng, tính năng nhắn tin độc đáo, và thậm chí hỗ trợ cả iTunes.
Vào thời điểm đó, không có mấy smartphone có thể cạnh tranh được với iPhone về các mặt ứng dụng, tính năng đa phương tiện và thiết kế thân thiện với người dùng. Android “chưa là gì” vì chỉ mới có G1 “thô kệch” được bán ở Mỹ. Palm Pre có vẻ quá hấp dẫn. Với màn hình cảm ứng và bàn phím trượt đầy đủ QWERTY, điện thoại của Palm đã kết hợp được các ưu thế của iPhone và BlackBerry. Thuật ngữ "sát thủ iPhone" lần đầu tiên xuất hiện.
Nhưng đã có dấu hiệu trục trặc ngay sau màn ra mắt ồn ào. Trước hết, Palm đã không cho phép giới truyền thông dùng thử hay chạm vào Pre, trong khi đó là điều mà các công ty khác rất chú trọng để giới thiệu phần cứng mới trước khi tung ra thị trường, đó là điều tối kỵ với một sản phẩm di động chủ lực. Làm sao có thể đánh giá một chiếc điện thoại nếu không được sờ tới? Palm dường như chưa sẵn sàng để phô trương Pre.
Mòn mỏi trông chờ WebOS
Ngày càng rõ ràng rằng Palm Pre chưa sẵn sàng ra mắt công chúng. Tại CES 2009, Palm cho biết Pre sẽ được nhà mạng Sprint của Mỹ phát hành trong nửa đầu năm 2009. Nhưng trong khi không hề thấy một dấu hiệu nào của Pre, thì kỳ lạ thay, Palm lại tung ra Palm Treo Pro, một smartphone chạy hệ điều hành Windows Mobile 6.1. Đây phải chăng là động thái “lấp chỗ trống” của Palm trong khi khách hàng đang chờ ngày phát hành của Pre?
Trong một lần trả lời phỏng vấn RCR Wireless News, Giám đốc điều hành Dan Hesse của Tập đoàn viễn thông Sprint/Nextel tuyên bố họ sẽ không vội phát hành Pre. Ông nói rằng Sprint và Palm đang cố hết sức để Pre sớm đến với khách hàng, nhưng điều cần thiết là Pre phải thật sự hoàn hảo khi được bán ra. Điều đó cho thấy Pre đã được công bố hơi vội vàng.
Trong khi đó, các nhà sản xuất điện thoại khác, bao gồm RIM, Samsung, Nokia, và HTC đã tung ra những chiếc điện thoại BlackBerry, Windows Mobile, Symbian với camera tốt hơn, màn hình lớn hơn, và bộ nhớ lớn hơn Pre. Hơn nữa, hệ điều hành Android đã lôi kéo được nhiều nhà phát triển ứng dụng đến với nền tảng mới mẻ này của Google, và HTC Magic đã ra mắt tại châu Âu. Trên hết, đáng chú ý là những tin đồn sắp sửa xuất hiện iPhone thế hệ tiếp theo.
Cuối cùng, gần hết cái hẹn “nửa đầu năm 2009”, Sprint và Palm công bố ngày 9/6 bắt đầu bán Pre với giá 200 USD kèm theo hợp đồng sử dụng dịch vụ hai năm. Nhưng đã quá muộn, chỉ 10 ngày sau iPhone 3GS của Apple có mặt trên thị trường. Với dung lượng lưu trữ nhiều hơn cho cùng mức giá, camera tốt hơn, và một danh sách ứng dụng mạnh mẽ hơn, iPhone 3GS đã làm Pre bị lu mờ.
Vật lộn với Smartphone
Các đánh giá về Palm Pre đều có chung nhận xét là WebOS tuyệt vời, nhưng phần cứng cần cải thiện thêm. Bàn phím của Palm Pre khó dùng, các phím nhỏ bé, dính và sắc cạnh. Và bạn buộc phải sử dụng bàn phím cứng, kể từ khi Palm từ bỏ việc phát triển bàn phím mềm. Nhiều thử nghiệm viên chê máy có dung lượng lưu trữ thấp, chỉ giới hạn trong 8GB. Trong khi các đối thủ đương thời như iPhone 3GS và các điện thoại BlackBerry, Nokia, và Windows Mobile đều sử dụng 16GB hoặc 32GB cho lưu trữ, với khả năng mở rộng của bộ nhớ.
Ngoài ra, quyết định chỉ dành riêng Pre cho mạng Sprint chắc chắn chỉ gây hại cho WebOS chứ chẳng giúp ích gì cho nền tảng này. Ban đầu, thỏa thuận dường như được hiểu là Sprint không bán bất cứ chiếc smartphone hàng đầu nào khác, tức iPhone sẽ không xuất hiện trên mạng này. Bằng việc độc quyền bán Pre, Sprint có thể giành được khách hàng mới theo cách AT&T đã làm với iPhone. Tuy nhiên, sự độc quyền của Sprint diễn ra quá lâu đã ngăn cản Palm đến với công chúng rộng lớn hơn. Sprint là nhà khai thác mạng xếp thứ 3 ở Mỹ, và Pre không phải là một thiết bị đủ mạnh để lôi kéo khách hàng mới. Vào thời điểm Pre đến với Verizon (phiên bản Pre Plus, với một vài cải tiến nhỏ về phần cứng), hãng này đang tập trung cho dòng sản phẩm Droid, như Motorola Droid. Và một khi Sprint mất thế độc quyền, liền hướng tới các thiết bị Android, bao gồm Samsung Moment và đặc biệt là HTC EVO 4G. Kết quả là, Sprint hoàn toàn từ bỏ những nỗ lực tiếp thị cho điện thoại WebOS.
Người dùng cũng không được chứng kiến bất kỳ một chiếc điện thoại WebOS nào tiếp theo sau Pre cho tới tận tháng 11/2009 khi Palm Pixi chào đời, một thiết bị cấp thấp hơn được nhắm tới những người mới bắt đầu tiếp cận smartphone. Pixi về cơ bản là một phiên bản nhỏ gọn của Pre với một màn hình nhỏ hơn và bàn phím thậm chí còn nhỏ hơn. Cũng giống như Pre, Pixi được Sprint phát hành độc quyền và cuối cùng cũng đến được với Verizon. Về cơ bản, Palm không hề đổi mới phần cứng, mà chỉ đơn thuần dùng cùng phần cứng như Pre với vài cải tiến nhỏ, đáng kể là bàn phím tốt hơn, và thêm tính năng quay video mà lẽ ra phải có cho Pre.
Tuy vậy, có lẽ thất bại lớn nhất của Palm là về ứng dụng. Nhiều tháng sau khi điện thoại ra mắt, các nhà phát triển vẫn chưa được quyền truy cập đến các công cụ của WebOS. Tới tháng Tám - hai tháng sau khi Pre ra mắt, Palm mới triển khai chương trình cho các nhà phát triển, nhưng lúc đó đã có thể thấy rằng WebOS sẽ chẳng đi đến đâu, các nhà phát triển đã hướng tới Android Market.
HP tiếp sức và thất bại
Tháng 4/2010, HP thâu tóm Palm với số tiền 1,2 tỷ USD, và thương vụ được hoàn tất vào tháng 6 cùng năm. Mặc dù Palm đang phải vật lộn để tồn tại, cộng đồng công nghệ dường như đồng ý rằng HP đủ sức hà hơi để WebOS cất cánh. Ý định của HP là duy trì và phát triển nền tảng WebOS, tiếp tục phát hành smartphone Pre, và mở rộng nền tảng cho các sản phẩm khác, bao gồm máy tính bảng và máy in. Vào tháng 2/2011, ngay trước ngày diễn ra Triển lãm di động thế giới (Mobile World Congress) ở Barcelona, Tây Ban Nha, HP đã tổ chức một sự kiện truyền thông lớn, công bố HP Veer 4G, HP Pre 3, và HP TouchPad - máy tính bảng đầu tiên sử dụng nền tảng WebOS.
Veer 4G khá tầm thường, về cơ bản là phiên bản rút gọn của Pre, nhưng dù sao trông cũng ra dáng là chiếc điện thoại lịch lãm. Pre 3 có vẻ hứa hẹn, nhưng tiếc là chưa đến với thị trường (và có lẽ sẽ không bao giờ với công bố mới nhất của HP). Hầu như mọi sự khuếch trương tập trung vào máy tính bảng TouchPad, hứa hẹn sẽ là địch thủ của iPad. Máy tính bảng này dường như là một môi trường lý tưởng cho WebOS, với đồ họa mượt mà và những điều khiển dựa trên cử chỉ.
Nhưng cũng như với trường hợp ra đời của Pre, HP phải mất 5 tháng sau ngày công bố mới đưa được TouchPad ra thị trường. TouchPad bị chỉ trích nặng nề vì phần mềm bị lỗi, hiệu suất hoạt động thấp, ứng dụng nghèo nàn. Thậm chí PCWorld Mỹ đánh giá máy chỉ đạt 2,5/5 sao.
Đừng đổ lỗi cho hệ điều hành
Thực sự không phải WebOS thất bại mà nguyên do ở đây là sự kết hợp của các yếu tố khác, gồm tiếp thị, phần cứng, và phát triển ứng dụng. Sai lầm lớn nhất cả HP và Palm đã mắc phải là vội vàng công bố một sản phẩm chưa hoàn chỉnh, và phải mất 6 tháng mới đưa được sản phẩm ra thị trường. Làm như vậy là một rủi ro rất lớn trong thế giới di động phát triển nhanh. WebOS ngã ngựa là một câu chuyện buồn, nhưng sẽ trở thành bài học quý giá cho các công ty công nghệ khác, đặc biệt là những công ty hoạt động trong lĩnh vực di động.
Theo PC World VN
Bình luận