Số lượng lớn thuê bao di động tập trung với mật độ cao tại các điểm vui chơi, bắn pháo hoa tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn cũng gây nên tình trạng nghẽn mạng cục bộ tại các khu đô thị lớn. Ảnh: P.H.

Điểm đáng ghi nhận nhất của các mạng di động trong năm nay là thời gian nghẽn mạng trước và sau thời điểm Giao thừa Tết Mậu Tý không kéo dài như những năm trước. Tuy nhiên các cuộc gọi và tin nhắn liên mạng di động, nhất là giữa MobiFone với Viettel vẫn bị tắc nghẽn khá nhiều.

Vào thời điểm trước Giao thừa khoảng 30 phút, tình trạng chớm nghẽn của các mạng di động bắt đầu xuất hiện, và kéo dài đến khoảng 0h30 phút thì bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, các cuộc gọi may mắn thực hiện được thành công trong khoảng thời gian này vẫn có thể liên lạc kéo dài chứ không bị rớt. Đến thời điểm 1h sáng, tình trạng nghẽn trong nội bộ các mạng di động cơ bản đã được giải quyết.

Kết nối liên mạng giữa VinaPhone và MobiFone được duy trì chất lượng khá tốt, dù tỉ lệ thực hiện cuộc gọi và gửi tin nhắn SMS thành công không thể như trong nội mạng, đôi khi phải thực hiện gọi và gửi lại 1-2 lần mới thành công.

Ngay tại thời điểm trước Giao thừa gần 1 tiếng, trao đổi với VietNamNet tại Trung tâm điều hành Viễn thông VNPT, ông Phạm Vĩnh Thọ, Phó trưởng ban Viễn thông cho biết: "Để tăng cường khả năng kết nối liên mạng trong thời điểm trước và sau Giao thừa, ngoài những tuyến kết nối tăng cường cho dịp Tết đi qua Trung tâm viễn thông liên tỉnh VTN, chúng tôi đã bổ sung thêm 5 luồng STM-1 (mỗi luồng STM-1 tương đương 63 luồng E1 - NV) đấu nối trực tiếp giữa 2 mạng VinaPhone và MobiFone và không đi qua VTN để giảm tải, bao gồm 2 luồng ở Hà Nội, 2 luồng ở TP.HCM, 1 luồng ở Đà Nẵng".

Năm nay, VinaPhone vẫn tiếp tục được nhiều khách hàng ghi nhận về độ ổn định, một phần nhờ số lượng thuê bao tăng trưởng không quá nóng, cùng các kinh nghiệm khai thác mạng và đảm bảo hiệu suất hoạt động của hệ thống. MobiFone, với hơn 5 triệu thuê bao thực tăng trưởng trong năm 2007, đã bộc lộ những hạn chế nhất định khi hiện tượng cuộc gọi và tin nhắn phải thực hiện lại vài lần mới thành công có phần phổ biến hơn.

Đến thời điểm 10h sáng Mùng 1 Tết, việc gửi SMS từ mạng MobiFone sang VinaPhone, đặc biệt là Viettel vẫn chưa thực sự thông hoàn toàn, phải gửi nhiều lần mới đi được, mặc dù mạng 090/093 đã tạm bỏ chế độ report SMS gửi thành công để giảm tải tổng đài tin nhắn.

Theo đánh giá sơ bộ, Viettel là mạng bị khách hàng phản ánh nhiều nhất về tình trạng tê liệt mạng vào thời điểm giao thừa. Anh Vũ Đình Hoà ở Đông Anh, Hà Nội cho biết: "Từ hơn 10h tối, tôi đã không thực hiện được cuộc gọi, gửi tin nhắn cũng thấy bị trả lại, thông báo gửi không thành công. Sau Giao thừa, chờ đến 1h hơn sáng gọi vẫn không thông được mạng, nên tôi đành đi ngủ để sáng nay dậy sớm chúc Tết mọi người sau vậy". Tại khu vực Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội), thuê bao Viettel cũng phải thực hiện cuộc gọi vài lần may ra mới kết nối được.

Kết nối liên mạng tắc nghẽn

Không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, ngay ở cả các tỉnh không tập trung nhiều thuê bao như Hà Tĩnh, thuê bao Viettel Mobile cũng khó liên lạc. Theo anh Trường Mai, phóng viên thường trú VietNamNet tại Hà Tĩnh, trong thời điểm trước và sau giao thừa, mạng Viettel rất khó gọi đi, cũng như tin nhắn gửi đi hoặc bị trả lại, hoặc gửi đi nhưng khi liên lạc được thì người nhận báo không nhận được tin nhắn.

Theo ghi nhận sơ bộ của PV VNN, các cuộc gọi và SMS liên mạng giữa MobiFone và Viettel bị tắc nghẽn nhiều nhất. Đây cũng là điều dễ hiểu vì trong năm 2007 vừa qua, đây là 2 mạng di động có mức tăng trưởng thuê bao nhanh và nhiều nhất. Các cuộc gọi và tin nhắn liên mạng giữa VinaPhone và Viettel có tỉ lệ thành công cao hơn, thời gian bị nghẽn cũng ít hơn.

Thông thường, người tiêu dùng không chú ý để phân biệt giữa cuộc gọi nội mạng và liên mạng, chỉ quan tâm mình đang dùng mạng di động nào. Tuy nhiên, nguyên nhân nghẽn kết nối liên mạng có thể nằm ở mạng của thuê bao gọi đi, nhưng cũng có thể do khả năng đáp ứng ở mạng của thuê bao nhận cuộc gọi.

Nhìn chung, các cuộc gọi di động cũng có xu hướng lưu thoát nhanh và có tỉ lệ thành công cao tại các huyện ngoại thành, tỉnh lỵ, khi cả thuê bao gọi và nhận đều ở các vùng này. Nhưng khi kết nối tới các thuê bao nằm ở vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM vào đúng giờ cao điểm nghẽn mạng, tỉ lệ cuộc gọi bị rớt, lỗi sẽ tăng lên rất nhiều.

(Theo Bình Minh - VNN)



Bình luận

  • TTCN (0)