Công ty Ajinomoto (Nhật Bản) hiện đang sử dụng phần mềm i.HRP của công ty FPT

Doanh nghiệp FDI đã tìm đến phần mềm Việt, tuy chưa mang tính phổ biến nhưng đây là tín hiệu đáng mừng cho thị trường phần mềm trong nước trước sự lấn lướt của phần mềm ngoại bấy lâu.

Nhiều công ty phần mềm trong nước thời gian gần đây đã kí được hợp đồng với khách hàng là các doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài(FDI) tại Việt Nam như Tinh Vân bán Histaff cho Pepsi, FPT bán i.HRP cho Schinler, Ajinomoto,… Các công ty khác như Misa, Lạc Việt cũng ngày càng có thêm nhiều khách hàng là doanh nghiệp FDI.

Các phần mềm được doanh nghiệp FDI lựa chọn cũng khá đa dạng từ phần mềm quản trị nhân sự, kế toán đến quản trị quan hệ khách hàng…

Theo FPT, đến nay công ty này có hơn 30 khách hàng là doanh nghiệp FDI. Còn Misa cho biết năm 2011 doanh thu của công ty vẫn tăng trưởng (tuy không cao bằng các năm trước, đạt 10% so với 30 – 40% các năm trước) nhờ có thêm các khách hàng mới là các doanh nghiệp FDI.

Việc các phần mềm Việt lọt vào mắt xanh của các doanh nghiệp FDI cho thấy một tín hiệu đáng mừng. Lâu nay, các doanh nghiệp FDI vẫn nằm ngoài “tầm ngắm” của các doanh nghiệp phần mềm nội do tính hệ thống riêng, đặc thù của các doanh nghiệp từ nước sở tại hoặc tính toàn cầu hoá mà các phần mềm nội khó phù hợp. Ngoài ra, quy trình mua sắm của các doanh nghiệp này phụ thuộc nhiều vào chính sách của các doanh nghiệp ngoại, thường là do công ty mẹ mua sản phẩm phần mềm và triển khai ở tất cả các công ty con tại các quốc gia khác nhau nên doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiếp cận.

Thế nhưng, thực tế lại cho thấy “các nhà phát triển phần mềm trong nước có lợi thế là sự am hiểu đối với môi trường, chính sách Việt Nam. Nhiều phần mềm nổi tiếng trên thế giới nhưng khi triển khai tại Việt Nam thì lại gặp rất nhiều khó khăn, không phát huy được hết hiệu quả của các tiện ích mà phần mềm xây dựng bởi không phù hợp với chính sách và đặc thù quản lí của doanh nghiệp tại Việt Nam”, bà Biện Thu Hoài, đại diện Schindler Việt Nam nhận định.

Đại diện một doanh nghiệp FDI khác cho biết, phần mềm nhân sự trong nước mà công ty này đang sử dụng có đầy đủ tất cả các tính năng liên quan đến quản lí nhân sự và tiền lương của doanh nghiệp từ tuyển dụng, thông tin nhân viên, chấm công, tính lương - thưởng, đào tạo, tuyển dụng, đánh giá, và website khai thác thông tin dành cho nhân viên. Phần mềm xử lí được chi tiết các nghiệp vụ nhân sự phức tạp của công ty, cung cấp đầy đủ các hệ thống báo cáo từ thống kê tới các báo cáo quản trị phục vụ cho mục đích quản lí của công ty, ngoài ra phần mềm còn có nhiều tiện ích online giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho công ty. Các dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng của nhà cung cấp cũng rất tốt, phản hồi và xử lí các yêu cầu và thắc mắc của công ty nhanh chóng, phong cách chuyên nghiệp. Đó là những lí do công ty quyết định sử dụng phần mềm của một nhà cung cấp trong nước.

“Nhiều khi doanh nghiệp phải chi rất nhiều tiền để mua và triển khai phần mềm, nhưng lại chỉ sử dụng được một vài chức năng cơ bản. Trong khi nếu ứng dụng một phần mềm Việt Nam chi phí giảm hơn rất nhiều, thời gian triển khai nhanh hơn, sử dụng đơn giản, dễ dàng hơn và các chức năng quản lí lại đáp ứng tốt hơn và mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn”, đại diện Ajinomoto bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Long, Hội Tin học Việt Nam, cho đến nay, chỉ một số ít ỏi phần mềm Việt thâm nhập được vào thị trường của các doanh nghiệp FDI và thị trường này cũng rất cạnh tranh, tiềm năng không lớn. Nếu tính theo đầu sản phẩm thâm nhập được và doanh số cung cấp thì cũng không đủ để là thị trường cho các doanh nghiệp phần mềm hướng tới. “Tuy nhiên việc Tinh Vân và FPT có được các sản phẩm vào được khối doanh nghiệp FDI cũng là tín hiệu tốt và là định hướng để các doanh nghiệp phần mềm trong nước học tập kinh nghiệm; đó là tính chuyên nghiệp, tính toàn cầu và đáp ứng các tiêu chuẩn hệ thống đặc thù của khách hàng”, ông Long bày tỏ.

Đồng quan điểm với ông Long, đại diện VINASA cho rằng ở Việt Nam hiện nay chưa có nhiều sản phẩm, giải pháp phần mềm lớn. Những sản phẩm được doanh nghiệp FDI lựa chọn là những sản phẩm, giải pháp phần mềm được nghiên cứu, đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, đã có thời gian triển khai ở nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đã được cập nhật nhiều phiên bản để khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai cho các đối tượng khách hàng khác nhau.

Điều đó cũng cho thấy, những doanh nghiệp có hướng phát triển sản phẩm bền vững sẽ trụ được trong giai đoạn khó khăn.

Theo PCWorld VN




Bình luận

  • TTCN (0)