Đây là một trong những điểm lợi mà người dân được hưởng khi lộ trình số hóa truyền hình chính thức bắt đầu thực hiện kể từ ngày 1/4 nhằm giúp người dân tiếp cận được nhiều kênh truyền hình với nội dung phong phú hơn. Cũng theo lộ trình này, Việt Nam sẽ ngừng phát sóng kênh truyền hình tương tự (analog) vào năm 2015.
Để làm được điều này các hãng điện tử chỉ được phép nhập khẩu hoặc sản xuất các loại tivi từ 32 inch trở lên có tích hợp chuẩn số DVB-TV2 nhằm phục vụ cho việc thu sóng truyền hình số.
Cho tới thời điểm này, ước tính có khoảng gần 100 mẫu máy tích hợp chuẩn DVB-T2 của các hãng được bán ra thị trường. Các hãng sản xuất cho hay khi tích hợp chuẩn mới thì giá bán sẽ không tăng.
Tại cuộc họp báo định kì quý 1 của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM tổ chức hôm nay 1/4, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở cho biết để người dân thuộc hộ nghèo có thể được xem tivi theo lộ trình số hóa, nhà nước sẽ trích khoảng 1.710 tỉ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có tivi mua thiết bị giải mã.
“Để làm được điều này, các địa phương, trong đó có TPHCM sẽ thực hiện khảo sát hộ nghèo có sử dụng tivi để hỗ trợ bộ giải mã,” ông Cường nói.
Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho hay, để giảm chi phí số hóa truyền hình, Trung tâm nghiên cứu và phát triển vi mạch TPHCM (ICDREC) đã nghiên cứu và chế tạo thành công bộ giải mã theo chuẩn trên với giá thành rẻ hơn. Trong thời gian tới, trung tâm này sẽ thương mại hóa sản phẩm này.
Ông Cường cho biết hiện TPHCM có khoảng 95% người dân là dùng tivi sử dụng truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh. Vì vậy, theo nguyên tắc TPHCM là địa phương đã sẵn sàng cho số hóa truyền hình. “Việc chấm dứt phát sóng truyền hình tương tự vào năm 2015 sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dân TPHCM,” ông Cường nói.
Theo SaiGonTimes
Bình luận