Theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hai ngành điện tử, CNTT sẽ được xây dựng trở thành những ngành công nghiệp chủ lực, tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
Cụ thể, đến năm 2020, các doanh nghiệp điện tử, công nghệ nội sẽ phải có năng lực để nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, sản xuất robot công nghiệp....Ngoài ra, Chiến lược cũng lựa chọn ưu tiên phát triển các ngành Viễn thông, Công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành Năng lượng mới & năng lượng tái tạo.
Nội dung chủ chốt của Chiến lược là huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế trong lẫn ngoài nước để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại. Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như chế biến nông, lâm thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược. Chiến lược cũng sẽ chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kĩ năng, kỉ luật, năng lực sáng tạo, đồng thời điều chỉnh, phân bố không gian công nghiệp một cách hợp lí để có các vùng, địa phương có thể phối hợp, liên kết chặt chẽ với nhau và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Mục tiêu tổng quát là đến năm 2035, công nghiệp VN sẽ sở hữu đa số chuyên ngành với công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, kỉ luật, năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.
Cụ thể hơn, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2020 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 12,5% - 13%/năm. Đến năm 2035, tỉ trọng công nghiệp và xây dựng sẽ chiếm 40 - 41% cơ cấu kinh tế cả nước. Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 chiếm khoảng 45% tổng GDP và tăng trên 50% sau năm 2025.
Căn cứ trên Chiến lược phát triển công nghiệp VN, Thủ tướng cũng đồng thời phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngành cơ khí - luyện kim sẽ hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo chủ đạo để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Ngành công nghiệp hóa chất sẽ được phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh, giảm thiểu việc thải các hóa chất độc hại ra môi trường. Ngành điện tử, CNTT sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở hỗ trợ các ngành khác phát triển.
Liên quan đến quy hoạch phân bố không gian công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao sẽ được tập trung phát triển tại vùng đồng bằng Sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ. Riêng khu vực Đông Nam Bộ còn chịu trách nhiệm phát triển thêm ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp phụ trợ.
Theo VietnamNet
Bình luận