Năm trường đại học và trung tâm đào tạo của Việt Nam vừa lập nên một Liên minh đào tạo CNTT VN (tên là SEG Việt Nam), với sự chuyển giao chương trình và hợp tác của Trường ĐH Carnegie Mellon Hoa Kỳ (CMU).

Hai ngành đào tạo là Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin, được thống nhất giảng dạy tại tất cả 5 cơ sở đào tạo của Liên minh SEG Việt Nam, theo chương trình gốc của trường CMU.

Mục tiêu của liên minh này đặt ra khá tham vọng: trở thành nơi đào tạo chuyên nghiệp nhất về công nghệ phần mềm tại VN và trong khu vực, trước mắt đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT đang rất thiếu của VN và sau đó là xuất khẩu nguồn lực CNTT.

Nhắm vào thị trường cung ứng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đang khan hiếm, nhìn nhận ra thực trạng thiếu và yếu của nguồn lực CNTT VN, liên minh đào tạo SEG đã đầu tư con số xấp xỉ 30 triệu USD để có được sự chuyển giao giáo dục này của trường CMU (đúng hơn là mua lại bản quyền của trường CMU).

Con số đầu tư chính xác không được tiết lộ, tuy nhiên, theo ông giám đốc đối ngoại của trường CMU, John Kang, giá trị bản quyền tương tự mà CMU đã chuyển giao cho các nước trong khu vực như: Ấn Độ, Trung Quốc là 30 triệu USD, và giá trị hợp đồng đối với Việt Nam thì thấp hơn một chút. Dù sao, con số xấp xỉ 30 triệu USD cũng cho thấy mục tiêu muốn chiếm lĩnh thị trường đào tạo nguồn lực CNTT của các nhà đầu tư trong liên minh SEG Việt Nam.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm VN, việc đào tạo và xuất khẩu nhân lực CNTT của VN hiện đang rất được chào đón. Tại Mỹ, VN đứng thứ 20/25 nước hấp dẫn về outsourcing; tại Nhật, là đối tác hấp dẫn thứ 1 năm 2007; còn Anh và Đan Mạch cũng sẵn sàng ký đảm bảo việc làm tại châu Âu cho tất cả nguồn lực IT VN đủ tiêu chuẩn. Ông Công nhận định, Việt Nam cần có tầm nhìn toàn cầu về đào tạo nguồn nhân lực CNTT, trước mắt để phục vụ thị trường lao động trong nước, và sau đó là nắm cơ hội cung ứng cho thế giới và đưa ngành đào tạo CNTT VN hội nhập quốc tế.

Ảnh
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Thắng. Ảnh: HS.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Quốc Thắng cho biết, chủ trương của Chính phủ VN là tạo điều kiện hết mức để đưa những công nghệ đào tạo tiên tiến, ngành nghề công nghệ cao vào Việt Nam, khuyến khích nhập khẩu và làm chủ các công nghệ của nước ngoài, góp phần đào tạo nên nguồn nhân lực VN đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thắng cũng cho rằng, việc ký kết, tuyên bố lập liên minh như thế này mới chỉ là những việc ban đầu dễ làm, quan trọng và khó khăn hơn là làm sao triển khai, thực hiện được đúng những mục tiêu, cam kết đề ra, vận hành tốt để có thể đào tạo nên một dòng nguồn nhân lực CNTT Việt Nam thực sự có chất lượng, duy trì lâu dài sự đào tạo chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu thiết thực trong nước và vươn ra quốc tế.

5 đơn vị trong Liên minh SEG Việt Nam bao gồm: Trường Đại học dân lập Duy Tân, Đà Nẵng (DTU), Trường Đại học dân lập Văn Lang, TP.HCM, (VLU), Công ty cổ phần Công nghệ Viễn thông Kỹ thuật số, Hà Nội, (DTT-HanoiCTT), Trường Đại học Cần Thơ (CTU), Trung tâm đào tạo Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh (ITTI). Liên minh này còn được sự hỗ trợ của tập đoàn Boeing.

Chương trình đào tạo của SEG Việt Nam chia thành 2 nhóm: khóa đào tạo đại học 4 năm và các khóa ngắn hạn. Hiện tại đã có 25 giảng viên của liên minh SEG đạt tiêu chuẩn của CMU. Dự kiến, khóa học đầu tiên sẽ bắt đầu vào tháng 8/2008.

Theo ông John Kang, thời gian tới liên minh này sẽ tiếp tục được mở rộng, không chỉ với 5 thành viên hiện tại.

(Theo Vietnamnet)



Bình luận

  • TTCN (0)