Niềm đam mê "bóc" vàng từ thiên nhiên

Ông Trịnh Đình Năng, sinh năm 1957, quê tại Ninh Giang, Hải Dương. Hồi nhỏ, ông theo bố mẹ lên công tác tại bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. Một thời gian sau, bố nhận nhiệm vụ về công tác ở Hải Phòng, mẹ cùng hai con ở lại Bắc Kạn. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông chỉ học hết lớp 6 đành nghỉ ở nhà phụ giúp mẹ. ông đã từng có thời gian làm công nhân gang thép ở Thái Nguyên. ông được đi học bổ túc về nghề cơ khí 18 tháng. Qua quá trình học hỏi, ông nhận thấy nhiều máy móc chưa hiện đại nên đã hiến kế cho Phó Giám đốc xí nghiệp Hoàng Hòa về việc nâng cấp máy móc và đưa tự động hóa vào sản xuất. Đề án của ông rất khả thi, tuy nhiên do những vấn đề khác nên xí nghiệp đã không chấp nhận đề án này. Cảm thấy chất xám không được ghi nhận, ông tỏ ra chán nản và quyết bỏ việc để về làm may với người vợ là Nguyễn Thị Ngoan.

Vài năm sau, ông lại "ngứa" nghề cơ khí nên lại chuyển sang làm sửa chữa xe máy. Trung tâm sửa chữa này có tiếng nhờ chế ra loại máy ép biên rất hiệu quả, giá bán chỉ bằng nửa so với thị trường. Sau ba năm làm thợ sửa xe máy, ông đã kiếm được số tiền rất lớn, ước chừng khoảng 30 cây vàng. Với số tiền này, ông dồn hết cho công việc nghiên cứu công nghệ.

Năm 2000, ông Năng sắm sửa đồ đạc trang thiết bị hiện đại và thuê thêm ba người hỗ trợ, tự mở một phòng nghiên cứu. ông đã dồn hết tiền bạc và tâm sức dành cho công việc nghiên cứu tách quặng kim loại lấy vàng theo công nghệ mới. "Tôi thường quên ăn khi tới bữa và thức thâu đêm, suốt sáng ở phòng thí nghiệm chỉ để nghiên cứu công nghệ "bóc", tách vàng. Số tiền tích cóp được đều để mua thiết bị nghiên cứu. Có những lần, tôi "đốt cả cân vàng" để nghiên cứu. Vợ tôi thấy vậy cứ tưởng tôi bị làm sao, liền tìm đủ cách để ngăn lại. Cuối cùng, tôi vẫn kiên định theo đuổi đam mê", ông Năng nói.

Bởi vì không được đào tạo một cách bài bản nên không tránh khỏi những thất bại ban đầu. Công việc nghiên cứu rất khó khăn, tốn kém nên sau một năm đốt vàng nghiên cứu, số tiền cũng cạn dần, trung tâm nghiên cứu buộc phải giải thể, công trình nghiên cứu dở dang. Hồi ấy, ông như người mất hồn và tưởng như gục ngã. Song với niềm đam mê, ông đã tự gượng dậy được.

Sáng chế nổi tiếng trên thế giới

Mặc dù việc nghiên cứu tách vàng không thành công, nhưng nó đã cho ông rất nhiều kiến thức trong việc tạo nhiệt trong quá trình đốt chất rắn. Sau đó, ông được nhiều nhà sản xuất trong nước và quốc tế biết đến. Một công ty chế tạo máy của Hàn Quốc đã mời ông về Hà Nội làm chuyên gia kĩ thuật với rất nhiều ưu đãi. ông được họ cấp ô tô đi lại và hưởng mức lương hàng ngàn đô, chỗ ở tiện nghi. Chỉ trong vòng 2 năm, kinh tế gia đình ông phục hồi, sửa sang nhà cửa. ông lại có điều kiện để theo đuổi đam mê. ông đã tự thề với mình rằng, sẽ sáng chế ra một sản phẩm công nghệ mang thương hiệu của cá nhân mình.

Thất bại với công nghệ tách vàng, ông quyết định chuyển sang nghiên cứu sản phẩm liên quan đến y tế. "Trước đây, cha tôi cũng là một bác sĩ, vì thế ít nhiều tôi cũng đam mê với lĩnh vực này. Hơn nữa, mỗi ngày, môi trường phải tiếp nhận hàng trăm tấn rác thải y tế từ các bệnh viện, không được xử lí tốt sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của cộng đồng dân cư. Tôi ấp ủ ý tưởng sẽ phát minh ra máy xử lí loại chất thải này", ông Năng nói.

Năm 2009, ông Năng đã viết xong sáng chế thể hiện tính vượt trội so với sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến như Mỹ, Đức, Nhật. Sau đó, ông gửi đăng kí sáng chế Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại cho bộ Khoa học và Công nghệ. Năm 2012, ông bảo vệ thành công đề án và được cấp bằng sáng chế độc quyền. Sản phẩm sáng chế là một hệ thống thiết bị lò, gồm có đầu đốt đồng bộ, có chức năng đốt liên hoàn không gián đoạn, kết hợp với thiết bị công đoạn thiêu đốt là công nghệ Nano khép kín, phân hủy triệt để khói, bụi và mùi độc hại. "Hệ thống lò đốt rác thải y tế là hệ thống đã hoàn chỉnh, có thể vận chuyển được, chỉ cần đấu điện, nước, xây một cái bể nhỏ và xử lí môi trường nước. Tất cả các lò đốt ở Việt Nam chưa có lò nào cân bằng áp suất như hệ thống tôi sáng chế ra", ông Năng cho biết.

Ảnh
Lò đốt chất rắn rác thải y tế nguy hại.

Công nghệ mới của lò là đốt liên hoàn, phụt lửa vào vật đốt chứ không như các lò khác là phụt dầu vào. Trung tâm lò đốt, nhiệt độ có thể lên tới 1.800 độ C, thời gian đốt cũng rất nhanh, tuổi thọ của đầu đốt có độ bền cao và không có sự cố kĩ thuật hay tắc đường dẫn dầu. Theo đánh giá của bộ Khoa học và Công nghệ, lò đốt do ông Trịnh Đình Năng sáng chế là công nghệ lò đốt rác thải y tế đầu tiên ở Việt Nam đạt quy chuẩn 30 của bộ Tài nguyên và Môi trường, tiết kiệm trên 80% nhiên liệu đốt so với lò nhập ngoại. Nếu đốt bằng dầu diezen chỉ hết 5.000 đồng/kg rác thải và 2.000 đồng/kg khi đốt bằng dầu thải. Trong khi đó, các loại lò của Mỹ, Nhật Bản, Anh hiện nay phải chi phí từ gần trăm nghìn đồng/kg xử lí rác thải.

Sau khi được cấp bằng sáng chế, ông Trịnh Đình Năng đã thành lập công ty Hỏa Tự Long có trụ sở tại thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng, thị xã Bắc Kạn. ông Năng cho biết thêm, công ty của ông hiện cũng đang sản xuất và bán những sản phẩm lò đốt rác thải y tế vào trong nhiều hệ thống bệnh viện của cả nước như Tuyên Quang, Thanh Hóa, Bắc Kạn. Nếu được đầu tư và mở rộng sản xuất, chắc chắn sản phẩm của ông sẽ còn hạ giá thành phẩm hơn hiện nay rất nhiều.

Được biết, hiện nay ông Năng đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng lò đốt xử lí rác thải đô thị. Ngoài ra, ông vừa mới nghiên cứu xong về việc tách vỏ củ dong riềng. Trên địa bàn của ông có rất nhiều mô hình trồng cây dong riềng nhưng việc chế biến lại chưa được chú trọng. "Tôi hi vọng, với công nghệ của mình sẽ giúp người trồng giảm công sản xuất, tăng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm", ông Năng nói.

Cuối cùng, những cống hiến của ông cho khoa học công nghệ đã được Nhà nước ghi nhận. ông đã nhận được Giấy khen của UBND tỉnh và thị xã Bắc Kạn, Bằng khen của bộ Khoa học và Công nghệ và bộ Tài nguyên và Môi trường. ông Đỗ Tuấn Khiêm, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho rằng, hệ thống xử lí rác thải áp dụng được công nghệ tiên tiến, hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm nguyên liệu. Sản phẩm phù hợp với những cơ sở có lưu lượng rác vừa phải. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm để hạn chế giá thành cho sản phẩm và hạn chế ô nhiễm môi trường.

300.000 euro và niềm tự hào Việt Nam

Lò đốt rác thải rắn y tế nguy hại đã được một công ty chế tạo máy hàng đầu của Đức ngỏ ý mua lại sáng chế với giá hơn 300.000 euro (khoảng 10 tỉ VNĐ). Tuy nhiên, ông Năng đã từ chối đề nghị của họ mà chỉ đồng ý hợp tác cùng sản xuất. ông cho rằng, đây là sản phẩm mang tính chất trí tuệ của người Việt, người nước ngoài biết là việc họ mua lại bản quyền này sau khi đưa vào sản xuất cũng sẽ bán lại cho Việt Nam. Như vậy là đất nước ta sẽ phải mua chính công nghệ của người Việt Nam sáng chế với một cái giá rất đắt", ông Trịnh Đình Năng nói.

Theo Doisongphapluat.




Bình luận

  • TTCN (0)