Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Android TV Box đang đặt ra vấn đề quản lí dịch vụ truyền hình và bản quyền phim, âm nhạc và các dịch vụ nội dung đang được cung cấp qua thiết bị Android TV Box.

Dùng thiết bị Android TV Box kết nối với tivi thông thường qua đường truyền Internet (ADSL hoặc cáp quang) người dùng có thể xem gần 70 kênh truyền hình trong nước và quốc tế, xem kho phim với hơn 10.000 bộ phim trong nước và quốc tế, nghe nhạc, đọc báo, chơi game và hàng nghìn dịch vụ khác được cung cấp miễn phí trong kho ứng dụng Google Play.

Các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box chỉ bán thiết bị, còn việc sử dụng dịch vụ nội dung do người dùng tự kết nối vào kho ứng dụng Google Play. Chỉ một số ít các nhà cung cấp thiết bị như VTC, FPT, VNPT có bổ sung thêm một số ứng dụng hoặc nội dung do họ tự thiết kế phục vụ người dùng.

Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc cung cấp dịch vụ nội dung đối với các nhà cung cấp thiết bị Android TV Box như: Các đơn vị này có cần xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình hay không? Họ phải thực hiện vấn đề bản quyền nội dung dịch vụ truyền hình, bản quyền tác phẩm phim, âm nhạc và các nội dung có bản quyền khác như thế nào?

Ông Lê Đoàn Quân, Giám đốc Công ty VTC Giải trí đa phương tiện (cung cấp thiết bị ZTV) cho biết, nội dung truyền hình, phim và âm nhạc được cung cấp trên kho nội dung để phục vụ người dùng ZTV đều có thỏa thuận về bản quyền.

Đại diện VNPT Technology (cung cấp thiết bị Smart Box) cũng cho biết, nhóm nội dung theo yêu cầu do một đơn vị khác phân phối nội dung trên hạ tầng của cung cấp và đơn vị này chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền nội dung. Còn rất nhiều ứng dụng khác là ứng dụng miễn phí trên Google Play. Hoặc có một số ứng dụng do đơn vị trung gian khác phát triển như HD Việt, Sohaphim, nhà cung cấp các ứng dụng này sẽ tự chịu trách nhiệm về bản quyền nội dung.

Việc sử dụng thiết bị Android TV Box kết nối với tivi bản chất để sử dụng dịch vụ OTT giống như người dùng sử dụng các ứng dụng qua smart phone hay smart tivi. Do đó các nhà cung cấp thiết bị chỉ bán thiết bị, họ không có hợp đồng với người dùng về nội dung cũng như cam kết về chất lượng nội dung giống như dịch vụ truyền hình trả tiền qua các giao thức khác (cáp, vệ tinh, IPTV – PV). Các nội dung trên kho ứng dụng cho các thiết bị dùng hệ điều hành Android có thể do chính các nhà cung cấp thiết bị hoặc có thể qua một kênh trung gian khác đưa lên mạng Internet.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết, nhà nước đang nghiên cứu để xây dựng chính sách quản lí dịch vụ truyền hình OTT. Do đặc điểm dịch vụ truyền hình OTT được truyền dẫn trên môi trường Internet và không có tiêu chuẩn kĩ thuật về chất lượng các dịch vụ nội dung trên Internet, cho nên Bộ TT&TT dự kiến, sẽ quản lí dịch vụ truyền hình OTT như truyền hình quảng bá. Chính sách này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp truyền dẫn các kênh truyền hình trong nước thiết yếu trên Internet, để thêm một kênh thông tin phổ biến tới người dân.

Ông Yên cho biết, đối với các kênh truyền hình trả tiền, truyền hình quốc tế đơn vị cung cấp thiết bị phải đảm bảo các quy định về bản quyền và tự chịu trách nhiệm về bản quyền nội dung khi đưa vào hệ thống của mình.

Do đó, các doanh nghiệp cung cấp thiết bị xem truyền hình OTT không được thu phí xem truyền hình mà chỉ được thu phí các nội dung theo yêu cầu (VOD), đồng thời phải tuân thủ các quy định về bản quyền như phim ảnh, âm nhạc.

Hiện đã có một số doanh nghiệp nộp hồ sơ xin phép thử nghiệm dịch vụ truyền hình OTT lên Bộ TT&TT.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)