Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam đặc biệt giàu tiềm năng cho cả năm loại hình là truyền hình cáp, truyền hình kĩ thuật số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình Internet và truyền hình di động. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng thì thị trường cũng phải đối mặt với nhiều bài toán như vấn đề sở hữu trí tuệ, cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, đảm bảo chất lượng nội dung cũng như thương mại hóa dịch vụ truyền hình OTT.
Để có cái nhìn rõ hơn về ngành công nghiệp truyền hình trả tiền ở Việt Nam hiện nay, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Châu Á - Thái Bình Dương (CASBAA) và VTVCab sẽ tổ chức "Hội nghị quốc tế về cơ hội phát triển Truyền hình trả tiền tại Việt Nam (Vietnam in View)" vào ngày 11/9 tới đây. Những diễn giả hàng đầu đại diện các cơ quan quản lí nhà nước và các thương hiệu truyền hình nổi tiếng thế giới, các đơn vị truyền thông uy tín trong nước sẽ đến tham dự và thảo luận tại hội nghị, bao gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lí Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV), 21st Century Fox, FOX International Channels, Lightning International, Scripps Networks International, MyTV, Q.net, Le Media, Thao Le Entertainment và nhiều đơn vị khác.
Đại diện CASBAA cho biết các phiên thảo luận chuyên sâu sẽ tập trung mổ xẻ toàn cảnh thị trường trả tiền "năng động tại Việt Nam", cũng như những vấn đề liên quan đến con đường tăng trưởng của dịch vụ truyền hình trả tiền trong thời gian tới. Đây cũng là dịp để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu với bạn bè quốc tế cũng như các đối tác kinh doanh, nhà đầu tư về môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện nói chung và trong lĩnh vực truyền hình trả tiền nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện Quyết định 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lí hoạt động truyền hình trả tiền nhằm đảm bảo thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường, vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước, bảo vệ và thúc đẩy tối đa lợi ích của người tiêu dùng.
Theo VietNamNet.
Bình luận