Vào lúc 3h05 sáng 7/1 theo giờ địa phương, nhiều camera an ninh khắp thủ đô Bucharest đã ghi được cảnh tượng lạ thường về thiên thạch thắp sáng bầu trời. Chớp sáng kéo dài nhiều giây đồng hồ và các cư dân địa phương bày tỏ sự choáng váng trước ánh sáng ma quái bao phủ nhiều khu vực của thành phố.
Cơ quan hàng không vũ trụ Romania (Rosa) cho biết, sự việc xảy ra khi một thiên thạch xâm nhập vào bầu khí quyển Trái đất ở độ cao khoảng 50 - 70km so với mặt đất. Hiện nhà chức trách vẫn chưa rõ liệu thiên thạch này có "sống sót" khi xuyên qua bầu khí quyển Trái đất và để lại mảnh vỡ hay không.
Theo Rosa, nhiều khả năng nhất là thiên thạch bốc cháy trong bầu khí quyển mà không gây ra bất kỳ tổn hại nào đối với các tòa nhà xung quanh. Nếu thiên thạch di chuyển đủ chậm và đủ thấp, nó có thể "sống sót" và rơi xuống đất như một hòn đá không gian.
Thống kê cho thấy, mỗi ngày có hơn 40 tấn thiên thạch tấn công bầu khí quyển Trái đất. Rất nhiều trong số chúng là các mảnh bụi sao chổi bị vỡ vụn một cách vô hại trong bầu khí quyển của chúng ta, tạo ra một cơn mưa sao băng chầm chậm trên bầu trời đêm.
Tuy nhiên, một vụ nổ thiên thạch hồi đầu năm 2013 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến 5 khu vực của Nga, làm hơn 3.000 ngôi nhà hư hại và hơn 1200 người bị thương. Các chuyên gia phát hiện, thủ phạm là một thiên thạch có kích thước khổng lồ, với chiều dài khoảng 19m, trọng lượng ban đầu xấp xỉ 13.200 tấn, bắt đầu nổ thành nhiều mảnh trong bầu khí quyển Trái đất ở độ cao khoảng 43km.
Nguồn năng lượng có trong thiên thạch khi phát nổ trên bầu trời Nga ước tính tương đương với sức công phá của khoảng 500.000 tấn thuốc nổ TNT, và mạnh hơn 30 lần so với sức mạnh của quả bom nguyên tử từng rơi xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945.
Theo VietNamNet.
Bình luận