Hình minh họa quá trình US 708 văng khỏi vị trí ban đầu với tốc độ siêu lớn sau khi ngôi sao đồng hành với nó nổ tung. Ảnh: Corbis.

Nhờ các kính thiên văn Keck II và Pan-Starrs 1 (có đường kính tới 10 m) trên quần đảo Hawaii, các nhà thiên văn phát hiện ngôi sao lùn trắng chứa khá nhiều Heli, nguyên tố phổ biến thứ hai trong vũ trụ, cách trái đất khoảng 62.000 năm ánh sáng . Họ gọi ngôi sao là US 708 và dự đoán nó đang di chuyển với tốc độ khoảng 1.200 km/s. Tốc độ cực lớn ấy khiến nó trở thành "ngôi sao chạy trốn" nhanh nhất trong dải Ngân Hà,Daily Mail đưa tin. Hiện tại nó lang thang vô định chứ không xoay quanh trung tâm của Ngân Hà.

"Với tốc độ ấy, bạn có thể di chuyển từ trái đất tới mặt trăng trong 5 phút", tiến sĩ Eugene Magnier, một nhà thiên văn của Đại học Hawaii, giải thích.

Mặc dù giới thiên văn từng phát hiện nhiều ngôi sao có khả năng thoát khỏi lực hút của Ngân Hà, đây là lần đầu tiên họ chứng kiến một ngôi sao bay cực nhanh bởi phản ứng nhiệt hạch.

Trước đây US 708 xoay quanh một ngôi sao lùn trắng có kích thước lớn hơn ở cự li khá gần. Chúng tạo thành một hệ sao đôi. Khi ngôi sao lùn trắng kia nổ tung, xung chấn của vụ nổ đẩy nó vào không gian với tốc độ khủng khiếp.

Eugene và các đồng nghiệp dự đoán US 708 sẽ rời khỏi dải Ngân Hà trong khoảng 25 triệu năm nữa.

Những ngôi sao như mặt trời xoay xung quanh trung tâm của Ngân Hà vì chúng chịu lực hút của thiên hà. Tốc độ di chuyển quanh dải Ngân Hà của những ngôi sao bình thường chỉ đạt khoảng vài chục tới vài trăm km mỗi giây. Để thoát khỏi lực hút của thiên hà, ngôi sao phải vượt qua "vận tốc thoát". Trong dải Ngân Hà, vận tốc thoát là 600 km/s - chỉ bằng một nửa so với vận tốc của US 708.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)