“Các nhà cung cấp dịch vụ ADSL ở Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng nền tảng cơ sở hạ tầng mạng xDSL cũ để triển khai WiMAX trong giai đoạn đầu chuyển sang ứng dụng công nghệ này. Điểm khác biệt chỉ là trong phương thức truy cập của người dùng cuối. Trước đây là bằng mạng hữu tuyến còn với giải pháp của Huawei là công nghệ không dây WiMAX.”
Đó là khẳng định của ông Dan Zhang – Giám đốc quảng bá sản phẩm WiMAX của Huawei Technologies – trong một cuộc trao đổi với phóng viên VnMedia bên lề hội thảo chuyên đề nhân sự kiện Triển lãm quốc tế về viễn thông, công nghệ thông tin và sản phẩm điện tử lần thứ 12 tại Việt Nam (Vietnam Telecomp & Vietnam Electronics 2008).
Xin ông cho biết những đánh giá của Huawei về thị trường mạng không dây băng rộng tại Việt Nam?
Theo con số thống kê mới nhất mà tôi có trong tay thì tính đến tháng 8 năm nay tổng số người dùng Internet ở Việt Nam đã đạt khoảng 20,5 triệu – tương đương với tỉ lệ khoảng trên 24% dân số được sử dụng Internet. Nhưng trong số này mới chỉ khoảng 2 triệu thuê bao mạng băng rộng – tương đương 2% dân số.
Bên cạnh đó ngoại trừ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thì năng lực và cơ sở hạ tầng mạng phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ mạng băng rộng của các nhà cung cấp dịch vụ khác vẫn còn tương đối hạn chế.
Qua những thực tế đó Huawei dự báo rằng trong những năm tới đây nhu cầu sử dụng mạng băng rộng tại thị trường Việt Nam sẽ tăng lên rất nhanh. Và chúng tôi tin rằng mạng không dây băng thông rộng WiMAX sẽ là một lựa chọn rất thích hợp cho thị trường Việt Nam.
Còn về những thách thức?
Cơ hội cho mạng không dây WiMAX tại thị trường Việt nam là rất lớn nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều thách thức. Thứ nhất chính là khả năng phủ sóng trong nhà (indoor coverage). Điều này bắt nguồn từ thực trạng thiết kế kiến trúc nhà ở tại Việt Nam. Nhà ở Việt Nam quy hoạch cao thấp không thực sự đều rất dễ ảnh hưởng tới chất lượng sóng WiMAX.
Thách thức thứ hai đối với WiMAX chính là hệ thống mạng 3G – trong đó điển hình là công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao HSPDA - sắp được cấp phép triển khai tại Việt Nam. Bên cạnh đó là thực trạng các quy định pháp lý đối với công nghệ mạng WiMAX tại Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế.
Một thách thức nữa mà các nhà cung cấp dịch vụ muốn triển khai WiMAX tại Việt Nam phải đối với mặt là việc làm thế nào có thể tạo ra được nhiều dịch vụ giá trị gia tăng có sức hấp dẫn cao đối với người dùng.
Một vấn đề nữa mà tôi cũng phải đề cập đến ở đây là chi phí đầu tư triển khai mạng WiMAX. Để triển khai một hệ thống mạng WiMAX cần phải có một nguồn đầu tư rất lớn. Điều này thực sự là một thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới đang lâm vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay.
Nhưng tôi vẫn tin rằng chắc chắn tiến lên mạng không dây băng thông rộng là một xu hướng tất yếu trong tương lai gần. Nói như diễn giả đến từ Motorola thì công nghệ mạng di dộng không dây còn có chức năng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và giúp chúng ta nhanh chóng thoát khỏi những khó khăn.
Xin ông cung cấp thêm một số thông tin về giải pháp WiMAX mà Huawei đã giới thiệu tại gian hàng triển lãm và tại hội thảo ngày hôm nay?
Đến với Vietnam Telecomp & Vietnam Electronics 2008 lần này Huawei Technologies Co. Ltd. có mang theo một giải pháp WiMAX mà chúng tôi cho rằng rất phù hợp với thị trường Việt Nam.
Để triển khai một hệ thống mạng WiMAX các nhà cung cấp cần phải đầu tư triển khai lắp đặt những hệ thống thiết bị hoàn toàn mới, máy chủ kết nối, máy chủ thanh toán độc lập hoàn toàn mới… Điều này có nghĩa rằng nếu các nhà cung cấp dịch vụ - ở đây tôi xin đề cập thẳng đến là các nhà cung cấp dịch vụ xDSL - muốn chuyển sang ứng dụng công nghệ mạng WiMAX thì họ phải đầu tư mới là hoàn toàn. Đây là một khoản chi phí không hề nhỏ.
Từ đó mà Huawei Technologies đã đặt vấn đề và tiến hành nghiên cứu một giải pháp chuyển đối sang mạng WiMAX mà vẫn có thể sử dụng được nền tảng cơ sở hạ tầng mạng sẵn có mà không phải đầu tư thiết bị mới. Từ đó mà chúng tôi đã phát triển thành công giải pháp tích hợp thành công WiMAX với hệ thống mạng hiện có của các nhà cung cấp dịch vụ xDSL.
Trên thực tế thì giải pháp này chỉ đơn giản ứng dụng WiMAX như một giải pháp điểm kết nối thay thế cho kết nối xDSL sẵn có. Nói một cách chính xác WiMAX ở đây chỉ đóng vai trò công nghệ kết nối người dùng cuối (access technology). Còn toàn bộ hệ thống máy chủ truy cập và máy chủ dữ liệu khách hàng vẫn sử dụng của mạng xDSL.
Đối với người dùng thì mọi thông tin truy cập mạng của họ vẫn giống hệt như trước đây bởi mọi thông tin khách hàng mà giải pháp WiMAX + ADSL vẫn được lấy từ máy chủ dữ liệu mạng ADSL trước đây. Điểm khác biệt với khách hàng là trước đây họ sử dụng mạng hữu tuyến giờ được sử dụng mạng không dây WiMAX. Giải pháp của chúng tôi vẫn sử dụng giao thức kết nối PPPoE như mạng ADSL thông thường hiện nay.
Có thể nói giải pháp này sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong giai đoạn đầu chuyển sang ứng dụng công nghệ WiMAX. Huawei chỉ xem giải pháp công nghệ này như là một phần của công nghệ mới – công nghệ WiMAX.
Giới thiệu giải pháp WiMAX này tại triển lãm lần này phải chăng là Huawei đang muốn tìm kiếm đối tác triển khai ứng dụng tại thị trường Việt Nam?
Tôi cho rằng đây là một giải pháp rất phù hợp với thị trường Việt Nam. Huawei đã lên kế hoạch về việc thử nghiệm giải pháp WiMAX này tại đây. Ngoài ra hiện Huawei cũng đang phối hợp với VNPT để tiến thành thử nghiệm công nghệ WiMAX tại Đà Nẵng cũng như đàm phán với rất nhiều đối tác quan tâm về vấn đề triển khai giải pháp này tại Việt Nam.
(Theo VnMedia)
Bình luận
Nói chung trình bày rất lòng vòng mà không chịu nói rằng đÂy là công nghệ Femtocell: triển khai các access point WiMAX qua mạng xDSL.
Không có ai lại đi triển khai WiMAX Femtocell mà chưa có tồn tại mạng lõi của WiMAX hay ko cần đẦu tư mạng lõi. Vì các Femtocell này phải kết nối vào mạng core thông qua xDSL, ko có mạng core thì sao mà hoạt động ???