Game thủ đang “chiến đấu” tại triển lãm “phần mềm và giải trí điện tử 2007”. Ảnh: MAI HẢI.

Bây giờ nhìn lại, tôi phải thẳng thắn công nhận rằng - tôi nghiện Game Online. Nghiện khủng khiếp. 2 năm trước, đã có lần sếp tôi nói nửa đùa nửa thật trong buổi nhận xét cuối năm về tôi: 3 ngày không thấy nó đâu, khi vào đến cơ quan thì mắt thâm đen, mặt lờ đờ, nhìn là biết nó lại mới vừa bị game online hành!

Phần 1: Nghiện.

Mộng anh hùng

Tôi dẫn 40 “môn đệ” vào tiệm internet đồ sộ mang tên “Không gian ảo” trên đường Đồng Nai, gần cư xá Bắc Hải, quận 10. 40 người ngồi kín hơn 2 dãy máy trên lầu 2 của tiệm, bắt đầu đăng nhập vào Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK).

Nhân, một chàng vừa là thợ xây, vừa nhận thầu những công trình nho nhỏ, gọi điện qua Mỹ đánh thức thêm một nhóm hơn 10 “môn đệ” trong bang của tôi thức dậy “nhập trận”. Nhóm anh em ở Hà Nội và Singapore cũng đã sẵn sàng. Hơn 64 nhân vật mạnh nhất của bang hội đăng nhập vào game, “mua máu”, lên ngựa vào chiến trường hội tụ, chuẩn bị cho một trận đánh quy mô.

Hôm đó, bang Độc do tôi làm bang chủ, được đại diện cho server Chung Sơn, (một server có khoảng vài chục ngàn tài khoản) tham dự giải đấu online Thiên hạ đệ nhất bang lần thứ nhất.

Dẫu “ở nhà nhất mẹ nhì con”, nhưng ngay trong trận đấu đầu tiên, chúng tôi gặp phải nhà vô địch tương lai, đại diện của server Trường Giang đến từ Hà Nội. Kết quả, cả bang bị đánh cho không ngóc đầu lên nổi!

Đó là trận chiến diễn ra trong một buổi chiều đầu năm 2007. Lúc đó, ở server Chung Sơn, nhân vật kyvuong của tôi rất nổi tiếng, và đang là bang chủ của một trong 2 bang mạnh nhất server, chiếm được 3/7 thành trì trong cả server.

Môn đệ trong bang của tôi có đến gần 200 người, phần lớn là những nhân vật… tính nóng võ công cao, vì thế, trong game, phần lớn các bang hội khác chỉ tranh giành những gì mà chúng tôi bỏ qua. Tất nhiên, sức mạnh của bang chúng tôi có được như vậy là nhờ sức của nhiều người. Trong bang tôi lúc đó, có nhiều nhân vật được “giang hồ” nể trọng.

Đầu tiên phải kể đến nhóm Vạn Thế Ma Quân, Thiên Mộc, Chị Hai, một nhóm chuyên chơi game do 3 người bạn lập ra, thay nhau “cày” 24/24 nên đã luôn giữ được top đầu trong danh sách “Võ lâm cao thủ” của server.

Thứ hai là nhóm của Huyết Thủ Ma Quân tại Mỹ, một nhóm đủ tiền để… mua tất cả những gì tốt nhất cho nhân vật, thuê những game thủ chuyên nghiệp khác “cày” cấp cho mình. Ngoài ra, còn có nhóm 4 sinh viên có tên doilaichi tại Hà Nội, gắn Internet trong phòng thay nhau “cày” sáng tối; rồi nhóm của Bạch-cô-nương ở quận 10…

Một điểm chung của phần lớn người chơi game VLTK là muốn trở thành một đại hiệp, hay thậm chí là trở thành một ác ma võ công cao cường như trong các phim và tác phẩm kiếm hiệp. Vì thế, bên cạnh việc sắm trang bị, việc “cày” cấp và các cuộc chiến thâu đêm suốt sáng của các cá nhân, các bang hội cũng liên tục diễn ra.

Giấc mộng anh hùng và các mối giao lưu trên mạng lúc đó đã trở thành một đam mê dữ dội của những game thủ như chúng tôi. Thức trắng một vài đêm, bỏ những cuộc hẹn quan trọng bỗng nhiên đã trở thành… chuyện “thường ngày ở huyện”.

Những điều trông thấy

Cái chuyện thức trắng một vài đêm như tôi, lúc đó, chưa coi là nghiện được, bởi tôi thấy nhiều người nghiện hơn tôi rất nhiều! Tại tiệm internet trên đường Trần Quang Khải mà tôi thường ghé vào chơi, tôi từng chứng kiến 1 cô gái trẻ, đẹp đã ăn, ngủ trên… ghế suốt 7 ngày đêm liền với VLTK! Kỷ lục thấp hơn một chút mà tôi ghi nhận được thuộc về một chàng thanh niên 19 tuổi với 6 ngày đêm liên tục ăn, ngủ cùng game online tại tiệm ấy.

Cả hai trường hợp này đều vào tiệm với mái tóc gọn gàng và ra khỏi tiệm với từng lọn tóc dính bết vào nhau, người bốc mùi khó ngửi!

Tất nhiên, để có thể chơi Game Online (GO) thường xuyên, chẳng ai làm cái trò dại dột như hai nhân vật mà tôi đã chứng kiến kể trên. Các cao thủ trong bang hội của tôi chơi GO kiểu khác: chia nhóm thay nhau cày. Để phủ kín cả 24 giờ thì tốt nhất là có 3 người để đổi ca. Nhóm sở hữu 3 tài khoản: Thiên Mộc, Vạn Thế Ma Quân và Chị Hai là một ví dụ.

Lần đầu tiên khi tôi đến thăm nhóm môn đệ này, trong căn phòng chật và tối ở gần công viên Gia Định lúc gần 2 giờ trưa, có 2 chàng trai đang cởi trần say sưa ngủ. Chàng trai còn lại đang ngồi ôm… 3 cái máy, “cày” game.

Chơi VLTK, tôi đã quen rất nhiều người, biết rất nhiều câu chuyện. Vui có, buồn có, lạ kỳ cũng có. Nói đến vui, có lẽ phải kể đến những đôi trai gái từ quen nhau trong game mà trở thành chồng vợ ngoài đời. Chủ nhân của 2 tài khoản: Vua Võ Đang và Honey Em Xin Lỗi là một đôi như thế. Bây giờ họ đã nghỉ chơi game, mở một quán bar ở Vũng Tàu để sống.

Chuyện của chủ nhân tài khoản Thiếu Lâm Hoa Kỳ thì ngược lại, rất buồn. Anh là một Việt kiều Mỹ, làm việc ở một doanh nghiệp máy tính. Sau khi biết chơi VLTK, anh liền mua nhiều tài khoản và trang bị mạnh, rồi rủ bạn bè lập nên một bang hội khá mạnh đặt tên là Tứ Hải.

Nhưng công việc bận rộn, nên vợ anh thường vào GO và trông coi bang hội giúp anh. Bẵng đi một thời gian không liên lạc, một hôm anh gọi điện về cho tôi, thảng thốt: “Vợ mình về Việt Nam rồi, mình không biết cô ấy bây giờ đang ở đâu?!”.

Theo lời “giang hồ đồn đại”, vị bang chủ phu nhân đó, trong lúc chơi game đã dần trở nên thân thiết với một bang chúng trong bang. Rồi nàng để lại chồng và hai con nhỏ ở nước Mỹ, về Việt Nam để thăm hiệp sĩ trong game của mình.

Hôm 30 Tết Kỷ Sửu vừa rồi, tôi lại nhận được điện thoại của Thiếu Lâm Hoa Kỳ. Anh đã chia tay với vợ. Bây giờ, một nách hai con, anh phải tạm nghỉ việc. “Mình không thể động vào VLTK nữa. Mỗi khi nhìn “nó” thấy lại buồn. Cũng vì nó mà gia đình mình tan nát”.

Trong server Chung Sơn, nhân vật Thiếu Lâm Hoa Kỳ của anh vẫn tồn tại, vẫn làm bang chủ của bang Tứ Hải. Chỉ có điều - người điều khiển nó là đã khác.

Sức hút mới

Thực ra, Thiếu Lâm Hoa Kỳ cũng chưa hoàn toàn bỏ hẳn được GO. Anh đã chuyển qua chơi Chinh Đồ, game “bom tấn” được kỳ vọng là sẽ thay thế được VLTK tại Việt Nam, vừa phát hành vào cuối năm 2008.

Game này đã được ra mắt bằng một chương trình quảng cáo chưa từng có tại Việt Nam: trả lương bằng tiền thật (tối đa là 1,5 triệu đồng) cho 10.000 game thủ chơi đến cấp độ 60 trong trò chơi này trong vòng 20 ngày sau khi phát hành.

Ngoài ra, trong ngày đầu tiên của trò chơi, có 10.000 phòng máy trên toàn quốc cho phép game thủ chơi game Chinh Đồ mà không phải trả tiền!

Là một game phát hành miễn phí, Chinh Đồ được tung ra với mục đích thu hút người chơi trước, thu tiền sau. Mục tiêu chính của Chinh Đồ là thu hút người chơi từ các vùng nông thôn, những nơi GO còn chưa phổ biến lắm, trước khi “đánh ngược” về thị trường thành phố.

Đáng chú ý, đây là trò chơi xuất phát từ Trung Quốc, nhưng Chinh Đồ đã bị chính dư luận nước này nhiều lần lên án vì trong trò chơi có các tính năng cờ bạc và khả năng gây nghiện khủng khiếp của trò chơi khiến nhiều người lớn cũng bị cuốn vào game đến quên ăn, quên ngủ!

Theo thống kê của các nhà quản lý từ cổng thông tin trực tuyến Gate Game, tại Việt Nam hiện nay đang có khoảng 35 GO do hơn 10 doanh nghiệp phát hành, chưa tính các game online văn phòng đơn giản của các website như trochoivui, trochoiviet hay zing.vn…

Mặc dù các nhà phát hành đều không chịu tiết lộ số người chơi trong game online, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, các GO thu hút người chơi hàng đầu Việt Nam hiện nay như VLTK, Audition, Chinh Đồ…, mỗi game đều có hàng triệu tài khoản đăng ký tham gia. Game thu hút nhất tại Việt Nam hiện nay đã có hàng triệu tài khoản chơi thường xuyên trong số hàng chục triệu tài khoản đăng ký.

Ngoài các GO kể trên, năm 2009, thị trường Việt Nam còn xuất hiện thể loại GO mới: webgame, với 3 đại diện là “Đế chế quật khởi”, “Linh Vương” và sắp tới là webgame “Tung Hoành”. Cả 3 game này đều là dạng “chơi game như lướt web”, cho phép người chơi không cần phải tải hay cài đặt bất cứ một chương trình gì vào máy mà chỉ cần vào web là chơi ngay. Với tính giản tiện này, những người chơi các GO này có thể liên tục cập nhật và chơi game qua điện thoại di động.

Hiện nay, theo các chuyên gia, webgame phát hành đầu tiên tại Việt Nam là Đế Chế Quật Khởi đã thu hút hàng triệu tài khoản, với sức hút có thể so sánh với sức hút của VLTK thời kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực game online cũng khẳng định rằng đây chỉ là xu thế mới, một phân khúc thị trường phù hợp hơn đối với giới văn phòng, chứ webgame không thể thay thế được vị trí của các game online.

Sau 3 năm, thị trường game online tại Việt Nam ngày càng có những sản phẩm mới để dần trở thành một thị trường đáp ứng cho mọi giới, mọi người. Tất nhiên, khi đó, những người lo ngại về việc có người thân nghiện GO cũng nên… yên tâm mà lo tiếp: có thể các game thủ sau vài tháng hoặc vài năm mê đắm, họ sẽ chán GO cũ, nhưng – sẽ khá nhanh chóng họ lại tìm thấy cho mình một GO khác để tiếp tục một chu trình của… đam mê mới!

Để thu hút người chơi, nhiều GO có kịch bản đáng lo ngại cũng đã được nhập vào Việt Nam, do vậy, Sở Bưu Chính – Viễn Thông TPHCM (nay là Sở TT-TT) đã từng có văn bản kiến nghị xem xét lại nội dung 3 game có yếu tố bạo lực và 5 GO có yếu tố cờ bạc đang được phát hành tại Việt Nam.

Trong số các GO này, báo SGGP đã cảnh báo về sự nguy hiểm của 3 GO bắn súng là Special Force, Sudden Attack và Cross Fire ngay từ lúc mới được tung ra thị trường vào đầu năm 2008.

Phần 2: Cai.

Nếu cai nghiện Game Online (GO) chỉ là mong muốn của một số game thủ, thì điều đó lại là mơ ước của rất nhiều người thân trong gia đình họ. Thế nhưng không như sự khởi đầu “ngon trớn” của người chơi GO, việc cai nghiện GO trầy trật hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là hiện vẫn chưa có một phương án nào có thể giải quyết căn cơ, bài bản căn bệnh đó.

Chơi dễ, bỏ khó

Chủ nhật, ngày 8-2 vừa rồi, tôi ngồi uống cà phê với Sơn, Long, Thành, Y… những chiến hữu đã quen từ những trận chiến trên Võ Lâm Truyền Kỳ (VLTK) gần 3 năm trước. Họ là những anh em không chịu đất, không chịu trời, nhưng khi “chơi VLTK thì chỉ chịu làm lính kyvuong”. Không như phần lớn các chủ nhật hàng tuần trước đó chúng tôi thường gặp để bàn chuyện phát triển bang hội, lần này, tôi gặp mặt những anh em thân tín, để một lần nữa, nói rằng tôi “rửa tay gác kiếm”.

Bảo “lại một lần nữa rửa tay gác kiếm”, bởi thực ra tôi cũng từng… gác kiếm mấy lần rồi. Mà cái hấp dẫn của GO là sự kêu gọi, sự níu kéo của anh em: nó cứ như một sức hút, không dễ gì dứt ra được. Mấy lần trước, bảo bỏ VLTK, nhưng ngắn thì dăm bữa nửa tháng, dài thì gần một năm, tôi lại “tái xuất giang hồ”, lại lập thêm bang hội mới, quy tụ những anh em ngày xưa lại.

Cái chuyện bỏ game rồi chơi lại không chỉ là vấn đề của riêng tôi. Chơi game quá độ sẽ ảnh hưởng đến công việc thì ai cũng biết, nhưng từ bỏ được hấp lực của GO, từ bỏ được một “cộng đồng” vừa ảo, vừa thật thì không dễ dàng gì. Nhiều trung tâm, đơn vị mở ra các lớp để giúp người mê game bỏ game, hoặc nỗ lực giúp người khác chơi game điều độ, đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Ngày 29/11/2008, tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, khu đô thị Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa B, Bình Tân – TPHCM đã lần đầu tiên khai giảng một chương trình dạy cai nghiện GO tại Việt Nam. Mặc dù đã được báo chí nhắc đến nhiều, được một số game thủ bàn tán xôn xao và mặc dù có cả ngàn cuộc điện thoại gọi đến trung tâm, thì lớp cai nghiện game đầu tiên, đã chính thức khai giảng chỉ có 20 học viên.

Một cố gắng khác – là việc thành lập Trung tâm Dịch vụ thông tin và tư vấn trực tuyến từ ngày 23/11/2007. Doanh nghiệp phát hành GO VinaGame đã lập nên trung tâm này với mục đích giúp game thủ chơi game điều độ, hợp lý, hạn chế và điều chỉnh những bất ổn tâm lý phát sinh từ các GO... Tuy nhiên, sau mười tháng hoạt động, các cuộc gọi đến và các cuộc hẹn tiếp xúc trực tiếp khách hàng của Trung tâm Dịch vụ thông tin và tư vấn trực tuyến có xu hướng… ngày càng giảm. Và cuối cùng trung tâm này đã phải ngưng hoạt động.

Đối với một game thủ như tôi, chuyện đóng cửa một trung tâm như vậy cũng không phải là một chuyện gì khó hiểu: tôi chỉ có thể nói tôi nghiện GO khi tôi… không còn nghiện nữa, chứ khi tôi đang nghiện, không có lý do nào để tôi gọi điện hỏi người ta cách dạy tôi từ bỏ đam mê. Vả lại, dễ gì người ta nhận rằng mình nghiện, cho dù là nghiện GO?

Trên thế giới, tại các quốc gia phát triển về GO, những báo động về tình trạng nghiện GO quá độ đã được đưa ra rất nhiều. Thậm chí, Hàn Quốc đã phải lập ra “Trường giải cứu Internet Jump Up” . Còn ở Trung Quốc, cũng đã có một “bệnh viện” cai nghiện Internet” tại Bắc Kinh.

Nhà quản lý cũng... loay hoay

Tại Việt Nam, từ 3 năm trước, khi “cơn sốt” GO vừa bùng phát tại Việt Nam kéo theo những hệ lụy của nó, các tranh luận về việc hạn chế chơi GO quá độ đã liên tục diễn ra. Về phía các nhà quản lý, để hạn chế tình trạng “chơi game quá mức”, từ năm 2006, Thông tư liên tịch số 60/2006 Bộ BCVT - Bộ Công an và Bộ VHTT đã được ban hành, trong đó có quy định: mỗi tài khoản chơi GO trong 180 phút đầu tiên được tính 100% điểm thưởng; từ phút thứ 181 đến phút thứ 300 chỉ tính 50% số điểm thưởng; từ phút thứ 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức.

Các quy định này, rõ ràng là để ngăn chặn việc người chơi GO nhập vai trực tuyến quá độ. Tuy nhiên, quy định này đã không được tuân thủ nghiêm ngặt ngay từ lúc được phát hành, đến nay, việc “lách luật” để các game thủ tham gia chơi game nhiều hơn 3 tiếng một ngày với hầu hết tất cả các GO là chuyện bình thường.

Một điều khác cũng cần nói tới, là sự lạc hậu của quy định ngày càng lộ rõ hơn theo thời gian, khi mà thị trường GO tại Việt Nam hiện nay không chỉ đơn thuần bao gồm các GO nhập vai trực tuyến kiểu “chặt chém” và luyện cấp. Bởi vậy, thậm chí ngay cả trong trường hợp các quy định về giới hạn giờ chơi qua điểm thưởng được tuân thủ đúng thì cũng tạo ra một sự cạnh tranh không bình đẳng trong thị trường GO: sẽ có những GO hầu như không bị giới hạn giờ chơi để giới hạn điểm thưởng vì người ta chơi không chỉ vì mục đích được thưởng điểm và lên cấp!

Đối với những người chơi GO như chúng tôi, thực ra, độ hấp dẫn của một GO chủ yếu là các yếu tố: nội dung, kịch bản trò chơi, cách chơi, hình ảnh và cộng đồng người chơi. Ở nhiều nước trên thế giới, việc thẩm định nội dung kịch bản trò chơi và phân loại trò chơi luôn là một công việc quan trọng trước khi game được cho phép đưa ra thị trường bởi có những GO chỉ dành cho người lớn, có những GO được cảnh báo là GO bạo lực…

Những tiêu chí này tại Việt Nam chưa rõ ràng. Đầu năm 2008, khi báo SGGP và một số tờ báo lên án về việc các GO bắn súng được phát hành, có GO còn thuê người mẫu mặc đồ rằn ri, đeo súng đạn (giả) đến các tiệm internet để... chơi trò bắn súng với các em nhỏ. Sự phản ứng gay gắt của dư luận đối với việc phát hành GO mang tính bạo lực như vậy trở thành áp lực lớn đối với nhà phát hành. Có nhà phát hành đã thử nghiệm phương án chơi game bắn súng nhưng… người bị bắn thì văng ra máu màu trắng, chứ không phải là máu đỏ. Tuy nhiên, cuối cùng, do máu màu trắng nhìn… “không phê”, khi dư luận lắng xuống, người chơi bắn giết, đâm chém nhau trong GO lại “được” thấy máu đỏ văng tung tóe… (?!)

Có lẽ, điển hình nhất trong việc các nhà quản lý lên tiếng về nội dung GO đã được phát hành tại Việt Nam là một văn bản được Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM gửi Bộ TT-TT vào giữa năm 2008, với nội dung đánh giá, kiến nghị về các trò chơi trực tuyến (Game Online - GO) trên địa bàn thành phố.

Theo đó, sở TT-TT TPHCM đề nghị thẩm định lại nội dung kịch bản của 5 trò chơi có hình thức đánh bài trực tuyến như: Baccarat, Black Jack, Baduki, Seven Poker, Gostop do Công ty Thái Bình Dương phát hành và 3 trò chơi có các yếu tố bạo lực như “Biệt đội thần tốc” (Vinagame phát hành), “Đặc nhiệm anh hùng” (FPT online phát hành) và “Đột kích” (VTC Intercom phát hành).

Tuy nhiên, ngay cả sự “lên tiếng” này, cũng đã cho thấy sự chưa nhất quán trong các quy định, chính sách về quản lý GO, nên có GO đã được phát hành cơ quan chức năng lại “đề nghị thẩm định lại nội dung”.

Được biết, hiện nay, Bộ Thông tin – Truyền thông đang xây dựng một quy chế mới để quản lý GO, dự kiến để thay cho Thông tư 60 đã một thời được bao người kỳ vọng trong quản lý GO.

Cai được không?

Khi viết những dòng này, tôi vẫn còn một chút nỗi buồn vì 3 tháng trước đây tôi đã không đủ can đảm để thâm nhập vào GO Chinh Đồ, một GO sử dụng lại chiêu bài từng được dùng để “câu” khách ở Trung Quốc: trả lương cho người chơi GO bằng tiền mặt, với số tiền cao nhất lên đến 1,5 triệu đồng, một mức lương đáng mơ ước với rất nhiều người lao động tại Việt Nam. Tôi sợ tôi lại nghiện Chinh Đồ như đã từng nghiện VLTK.

Ở Trung Quốc, GO này từng bị lên án vì… quá hấp dẫn, quá dễ gây nghiện. Nhưng các nhà phát hành bảo rằng nó đã bị hạn chế bớt “tính hấp dẫn” khi phát hành ở Việt Nam, đã bớt những trò xổ số, cờ bạc, cổ phiếu trong phiên bản phát hành tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn không đủ can đảm thử GO này vì e sẽ lại nghiện...

Tôi thì đã mất hết gần 3 năm với khoảng 5.500 giờ để chơi VLTK – đến giờ vẫn chưa biết mình đã thực sự “cai nghiện” được hay chưa...?

Dẫu sao, tôi cũng đã là một người ở độ tuổi trưởng thành và có một cuộc sống vui, một công việc tốt để gắn bó, để biết cái nào mình nên đam mê, cái nào nên bỏ bớt. Thế nhưng, thị trường GO vốn không chỉ dành cho những người đã đủ tuổi trưởng thành, cũng không chỉ dành cho những người hài lòng về cuộc sống của bản thân. Có những thống kê không giống nhau về số người chơi GO tại Việt Nam hiện nay, nhưng phần lớn cho rằng đang có trên 5 triệu người chơi GO. Với hơn 5 triệu người chơi GO tại Việt Nam hiện nay, nếu, chỉ có 1% trong số đó là nghiện game, chơi game quá độ, thì tức là cũng đã có 50.000 người bị ảnh hưởng!

Mà ai dám khẳng định rằng tỷ lệ người bị ảnh hưởng bởi GO chỉ là 1%?

Nói về những tác động xấu của GO đến xã hội, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TPHCM từng nhận định rằng bên cạnh việc tạo một thị trường bình đẳng, rộng mở cho các doanh nghiệp cạnh tranh, cũng cần phải xem xét lại việc các doanh nghiệp này gây tác động xấu đến một bộ phận người chơi. Theo ông Hà, các doanh nghiệp kinh doanh GO cũng phải phần nào chịu trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả này, một cách nào đó được hiểu nôm na là giống như các doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm phải tốn chi phí bảo vệ môi trường.

(theo SGGP Online)




Bình luận

  • TTCN (1)
Nemo Nguyen  21665

Bài viết dài thiệt...chưa đọc cũng biết sơ qua nội dung. Ma-tuý với rượu mạnh (hay cả xxx) cũng có tác dụng giải trí lắm, chẳng hiểu sao phải cấm (hay đánh thuế cao) mà Game Online thì ko nhỉ ?

Không chỉ là các trò giải trí thiếu lành mạnh mà nói chung cái gì tác động xấu đến con người, đến xã hội... mà chính phủ ko lo hạn chế thì sẽ đến lúc hối ko kịp.