Đua nhau thi vào ngành IT, rồi trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng. Blogger Ngôn Phạm chia sẻ nỗi niềm cùng Blog Quanh Ta.
Dạo này có thời gian rảnh rỗi nên tôi có cơ hội đi đây đi đó, gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới công nghệ thông tin (CNTT - IT) cũng như bạn bè cũ đã từng có thời gian học chung trước đây. Nhìn lại mới đó mà đã bảy năm kể từ ngày tôi chính thức bước vào con đường Công nghệ thông tin. Suốt thời gian đó, tôi gần như bị cuốn vào cuộc đua công nghệ mà quên hết mọi thứ xung quanh. Giờ có thời gian rảnh ngồi chiêm nghiệm lại mới ngẫm ra được nhiều điều. Có nhiều thứ rất đỗi bình thường trong cuộc sống nhưng lại bắt đầu trở nên lạ lẫm đối với những con người công nghệ như tôi.
Sự chênh lệch "giàu nghèo"
Tôi vẫn nhớ hồi đó, những người học trong lĩnh vực tự nhiên như Toán, Lý, Tin... như chúng tôi đều là những ứng cử viên sáng giá nhất trong mắt mọi người, đều nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ. Rồi đa phần đều thi vào những ngành triển vọng như CNTT, viễn thông... Nhưng rồi bây giờ lại trở thành những nhân viên bình thường, yếu về khả năng giao tiếp, suốt ngày ngồi làm việc trong phòng kín gần như tách biệt với thế giới bên ngoài và đều đặn hàng tháng lãnh một mức lương không tệ nhưng so với một số ngành tiềm năng khác thì có thể nói là ba cọc ba đồng.
Trong khi những người học trong những ngành xã hội thường được xem là những ngành ít quan trọng hơn (mỗi lần cứ tới kiểm tra môn tự nhiên là phải tới lui "nhờ vả" những người như chúng tôi), sau này cũng thi vào những ngành bình thường như kinh tế, ngoại thương...
Sau khi ra trường xuất phát điểm họ cũng thấp hơn, nhưng với một số người khéo léo biết trau chuốt kinh nghiệm sống và từng bước tăng cường khả năng giao tiếp với bên ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn họ đã đi lên rất nhanh...
Một số người đã đạt mức lương cao ngang ngửa với chứ danh trưởng dự án (PM) trong các công ty gia công phần mềm, còn những người siêu hơn trong lĩnh vực ngoại thương xuất nhập khẩu thì họ đã có đủ tiền để mua nhà và xe hơi.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là tôi "bất mãn" với ngành CNTT hiện tại mình đang theo đuổi, bởi tôi hiểu mỗi ngành đều có giá trị của riêng nó. Nhưng thực sự tôi nghĩ một người làm trong lĩnh vực CNTT chỉ thực sự có giá trị khi anh ta phải quên đi qua ánh hào quang CNTT mà những người trong ngành vẫn hay ảo tưởng, hòa nhập với cuộc sống để hiểu cuộc sống xung quanh thực sự đang mong muốn điều gì, giao tiếp với những con người trong thế giới thật để hiểu được sứ mệnh của mình nằm ở đâu trong chuỗi mắt xích phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Còn không thì những con người CNTT như chúng tôi vẫn sẽ mãi chìm trong thế giới ảo và dần sẽ có một cảm giác lạc lõng như bị bỏ rơi trong sự phát triển như vũ bão của xã hội VN ngày nay.
Làm giàu thì phải "con buôn"?
Trước một viễn cảnh khá u ám của các dot-com Việt Nam hiện nay, tôi cũng đã quyết định đi "thỉnh giáo" một số sư huynh thành đạt ở Việt Nam bên các lĩnh vực khác để xem liệu có những lối ra nào cho lĩnh vực này. Cũng có khá nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu trung lại thì có vẻ như là: "Em muốn làm giàu ở Việt Nam thì đôi lúc cũng phải ... con buôn một tí". Tôi cũng chả biết giải thích từ "con buôn" thế nào nên nêu một số ví dụ minh họa hơi liên quan:
1. Công ty tôi làm ra một ứng dụng Internet giáo dục rất tốt và với sản phẩm này mọi học sinh, sinh viên Việt Nam đều có thể cơ hội học tập bình đẳng, tiếp xúc với một kho dữ liệu tri thức ngang nhau. Nghe thì ai cũng đồng ý rất hữu ích, nhưng rốt cục nó cũng chỉ đóng vai trò phụ trợ. Người dùng Việt Nam vẫn thích một môi trường học thật và quan trọng là học xong phải có "bằng cấp" và cơ hội. Và rõ ràng bài toán này là một bài toán thực tế cuộc sống, cách giải quyết đòi hỏi phải khéo léo từ kinh nghiệm từng trải, không thể trông đợi vào công nghệ.
2. Công ty tôi làm một site thương mại điện tử, bảo đảm mọi người tham gia sẽ giao dịch dễ dàng và thuận tiện. Nghe cũng có vẻ hay nhưng với thực tế xã hôi Việt Nam hầu hết đều là buôn bán nhỏ lẻ và tìm cách lách thuế thì rất ít người muốn minh bạch công khai. Giao dịch trực tiếp vẫn là cách tốt nhất, không phải tốn phí giao dịch, đôi khi gặp mặt trực tiếp nói chuyện tình cảm còn mặc cả bớt được thêm chút đỉnh.
3. Công ty tôi làm một ứng dụng Internet rất hay, mọi ý tưởng đều hoàn hảo và kỳ vọng sẽ bán được hàng. Nhưng có thể đó chỉ mới là chúng tôi nghĩ và thực tế khả năng thất bại là rất cao. Trong khi đó cũng với công sức đó, chúng tôi làm một ứng dụng demo không tốn nhiều sức lực, rồi dựa trên mối quan hệ đi tìm cách ..."gạ" một đại gia lắm tiền trong lĩnh vực đó đầu tư. Lý lẽ thuyết phục là nếu đầu tư tiền vào đây thì với kinh nghiệm của anh, cộng với năng lực của em thì khả năng thành công là rất cao. Mọi việc có vẻ rất bất ổn nhưng đôi lúc giả lại thành thật. Không ít công ty ở VN đã thành công bằng cách này.
Tựu trung lại, làm giàu ở Việt Nam dù trong bất kì lĩnh vực nào có lẽ cũng đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm thực tế từ cuộc sống cũng như các mối quan hệ khác nhau, cộng với tính "con buôn" nữa. Điều này có vẻ khá sốc đối với một người thuần túy về công nghệ như tôi trước đây, nhưng thực sự chúng ta không thể nhìn theo mô hình thành công của các công ty như như Google, Microsoft..., nơi có những văn hóa rất khác biệt so với chúng ta. Ở Việt Nam thì phải "chơi kiểu" Việt Nam. Nghĩ tới đây có vẻ tôi cũng đã bắt đầu "con buôn" hơn rồi nhỉ ^_^
(Nguồn: blog Ngôn Phạm - PHẠM HỮU NGÔN)
Bình luận
Theo tôi, để làm giàu thì chắc ngồi suốt bên máy tính không giàu được đâu, đối với dân IT như chúng ta thì phải tính tới việc kinh doanh dựa trên CNTT. Vấn đề tiếp theo là kinh donah cái gì? Cái đó còn phụ thuộc vào nhu cầu và xu hướng của thị trường Việt Nam nữa. Mà cái nhu cầu đó là cái gì, làm gì để phục vụ cái nhu cầu đó, sinh lợi nhuận .v.v. là vấn đề mà tôi suy nghĩ chưa ra.
Phi thương bất phú
Làm developer hoài thì làm sao mà giàu được. Muốn giàu thì phải kinh doanh. Chúng ta đã có kinh nghiệm, trình độ và đầu óc thì việc kinh doanh phát triển dự án riêng cho chính mình là hoàn toàn có thể. Ở Thế giới nói chung và việt nam nói riêng đã có rất nhiều người thành công trong lĩnh vực CNTT như FPT hay vinagame chẳng hạn.
Nhưng nói một cách công bằng, muốn đạt được thành công thì trước tiên mình phải thật giỏi , tổng giám đốc fpt Trương Gia Bình bữa trước là sinh viên năng khiếu của đại học tự nhiên hà nội, rồi đi du học nga. Hay tổng giám đốc vinagame Lê Hồng Minh cũng đã đi du học Úc về.
Bạn muốn lập 1 cty lập trình trong khi đó bạn chẳng có kinh nghiệm thực tế nào về việc thiết kế hệ thống, quản trị dự án ...vv thì làm sao bạn có thể quản lí nhân viên, làm sao để nhân viên của bạn phục bạn, toàn tâm toàn ý với bạn đây phải ko. Nếu muốn thành công thì ngay bây giờ phải bắt đầu tích luy kiến thức, biến mình trở thành một con người thật là giỏi về chuyên môn và có đầu óc sau đó mới tính đến chuyện lập nghiệp về cntt.
Niềm đam mê và trách nhiệm với gia đình
Mình làm trong ngành công nghệ phần mềm; developer đấy. CNTT là niềm đam mê, là sở thích của mình nhưng càng nghỉ về tương lai khi mình lớn tuổi thì sao nó u ám quá. Các bạn hãy có gia đình, vợ và con đi; các bạn sẽ thấy giữa niềm đam mê và trách nhiệm nó sẽ gây khó cho các bạn như thế nào.
Nhìn mấy thằng bạn Trưởng phòng này, Giám đốc nọ mà ham; ngày xưa đi học tụi nó bèo lắm; nhưng giờ địa vị xã hội thì mình thua nó quá nhiều. Thôi thì phóng lao phải theo lao vậy !!!
chính xác
Nhiều khi nhìn lại mà thấy bất công, học thì nhiều hơn người ta, đã vậy người khác ngành nhìn vào cứ nói này nói nọ, họ không trong ngành này thì làm sao mà họ hiểu nỗi khổ của ngành này,chỉ người trong ngành mới hiểu thời gian 24 tiếng trong ngày là quá ít so với những ai trong ngành này, 24 tiếng của họ có thể ăn ngủ học chơi, nhưng nhiều khi 24 tiếng của ngành này chỉ dùng để lao vào sửa lỗi code, đã trót theo thì bỏ nó sao đành...
Bình luận bị ẩn
CNTT Viet Nam
Theo tôi nghĩ với CNTT phát triển như hiện nay.Giới trẻ đã sớm tiếp xúc với máy tính.nhất là trong lĩnh vực game,phim ảnh,chat,...Mọi người có thể ở nhà và với 1 thao tác đơn giản cùng máy tính kết nối internet.Nhu cầu xã hội ngày càng cao, việc phát triển bằng CNTT trở nên thiết thực thì bạn không phải lo khi ra trường với bằng đại học(cao đẳng.trung cấp)CNTT.nếu có nhiều vốn bạn có thể mở 1 tiệm net game cho mình hoặc mở 1 lớp học CNTT bằng A,B,C.Hoặc phát triển 1 phần mềm nào đó nếu bạn có đam mê và nổ lực tìm tòi nghiên cứu...Nói chung, bạn quá bi quan trong lĩnh vực CNTT rồi.Ở tất cả các nước trên thế giới nói chung,không riêng Việt Nam,ngành CNTT đang trên đà phát triển.Tương lai CNTT sẽ thống trị mọi thứ.Thể hiện rõ trong các ngành nghề như Kế toán,du lịch,tài chính,...Chúc các bạn học CNTT đừng bi quan nữa nhé.:D