Ảnh

Học kỳ mùa thu tôi đi làm trợ giảng (Teaching Assistant) cho một cô giáo, không phải thầy giáo như những lần trước. Sinh viên nữ trong một lớp Khoa Học Máy Tính đã hiếm, nên cô giáo dạy những môn chính cho sinh viên Máy tính như Hệ điều hành, Lập trình C, Java như cô giáo tôi còn hiếm hơn. Học kỳ đã kết thúc và cô giáo đã để lại trong tôi những ấn tượng cực kỳ sâu sắc.

Cô không còn trẻ. Đó là một phụ nữ trung niên nhưng trông khá giống đàn ông, dù cô đã lập gia đình. Giống đàn ông ở đây có lẽ do cách ăn mặc, đi đứng và bản lĩnh đứng lớp. Cô tên là Christine đầy nữ tính nhưng khi gọi bằng cái tên tắt Chris làm tôi gợi nhớ đến những anh Chris khác mà tôi đã quen.

Ngày đầu tiên vào lớp, áo sơ mi quần tây đóng thùng, giọng sang sảng cộng với thái độ dứt khoát xen lẫn hù dọa khi thảo luận đề cương môn học (syllabus) làm cho mấy anh chàng Mỹ bên dưới ngồi xếp de. Nghe tiếng ồn ào trong một khu nào đó trong lớp, cô dừng lại và hỏi ngay: “Tôi nghe tiếng ồn trong khi tôi đang giảng bài. Điều đó thật khó chịu! (annoying)” làm mấy anh sinh viên đang bàn chuyện phải xin lỗi rối rích.

Cô giáo tôi là một giảng viên (instructor) thật sự. Nghĩa là công việc của cô là dạy học và dạy học mà thôi. Không giống giáo sư (professor), cô không làm nghiên cứu hay hướng dẫn sinh viên (dù cô có thể làm cố vấn học tập (advisor) khi cần thiết). Tôi tin là nền tảng của chương trình giảng dạy bậc Đại học (undergraduate) nên được xây dựng bằng những ông thầy, bà cô chuyên tâm giảng dạy như thế.

Học kỳ này cô dạy môn Hệ điều hành I (Operating Systems I), môn học nền tảng mà mọi sinh viên Máy tính đều phải học để hiểu Windows và Linux là cái gì. Ai cũng phải học, chỉ mình tôi, trợ giảng là chưa được học. Tôi vốn không phải là sinh viên Máy tính khi đến Mỹ và điều đó khiến tôi phần nào tự ti trước những thứ thuộc về căn bản mà lẽ ra tôi phải biết trước. Học kỳ vừa rồi tôi quyết tâm xóa mù Hệ điều hành nên vừa lấy lớp Hệ điều hành II vừa đăng ký làm trợ giảng cho lớp Hệ điều hành I. Thật là một quyết định thách thức mà giờ tôi nhìn lại, thật đúng đắn.

Nhưng mà thôi, để tôi trở lại với câu chuyện cô giáo tôi. Trước khi học kỳ bắt đầu, cô giáo gửi email cho hai TA với vài câu hỏi thăm dò: “Hai em có quen với Unix, Linux không?” và “Hai em có biết lập trình C không?”. Câu trả lời của tôi là 'Không' (lúc học Bách Khoa HCM tôi có học Pascal :^)) nhưng với một thái độ lạc quan là cô yên tâm, em sẽ đến lớp và học hành đàng hoàng cùng với sinh viên. Tôi muốn học và không muốn giấu dốt làm gì. Sau đó tôi gặp cô trực tiếp và thấy rằng câu trả lời 'Không' của mình không làm cô giáo bận tâm mấy. Cô nói tôi nên đến lớp để hiểu bài giảng. Và cô hỏi tôi đang học chuyên về cái gì. Tôi nói tôi đang học Cơ Sở Dữ Liệu. May mắn là một sinh viên trong lớp hè của tôi cũng học lớp Hệ điều hành I kì này, gặp gỡ cô giáo và nói tốt về tôi. Nhưng trên tất cả, tôi mang một cảm giác dễ chịu vì thấy cô hiểu rằng mỗi người có một lĩnh vực mạnh trong hàng tá lĩnh vực máy tính rộng lớn. Nó, Tuan không biết về Hệ điều hành không có nghĩa là nó sẽ không biết mãi. Một giảng viên chuyên nghiệp với biết bao đời trợ giảng quốc tế sẽ biết làm gì trong tình huống đó.

Có một sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề của một cô giáo chuyên dạy học và một ông giáo sư đi dạy học. Ông giáo sư chưa chắc là một lập trình viên giỏi, cách lý luận chưa chắc là dễ hiểu đối với sinh viên Đại học. Hơn nữa, ông giáo sư mà không quan tâm đến giảng dạy nhiều khi không hiểu và sẽ không biết cách đặt môn mình dạy trong chuỗi những kĩ năng mà kĩ sư Máy tính cần có để ra trường làm việc. Nhiệm vụ chính của giáo sư dù sao cũng là việc nghiên cứu và bản thân họ cũng có thể là chưa từng đi làm bao giờ. Cô giáo tôi vượt qua được những hạn chế này. Cô giáo tôi từng đi làm cho Apple trong thời kỳ mà hệ điều hành chỉ cho phép chạy một chương trình trong một thời điểm, nghĩa là bạn không thể vừa duyệt web vừa chit chat trong Yahoo! Messenger. Kinh nghiệm thực tế của cô vì vậy mà không thể bàn cãi. Học kỳ này cô dạy ba lớp: Hệ điều hành I, Lập trình C, và Lập trình Java. Nếu chỉ nói về hệ điều hành, laptop của cô vẫn cài Windows nhưng những bài tập đồ án về Linux mà cô cho cả lớp, trừ một hai cái đầu làm quen mở hàng, những cái còn lại phải gọi là khó kinh dị. Nếu không phải là TA mà là sinh viên lấy lớp đó, chắc tôi đã phải vật lộn với chúng nhiều hơn. Và đã học được nhiều hơn!

Một ông thầy, bà cô dạy thực tế không phải lúc nào cũng quá tin học trò. Quá tin học trò ở đây có nghĩa là họ có thể giao một bài tập cho sinh viên với vài dòng mô tả ngắn gọn, một hạn nộp bài có thể thương lượng và rồi mong chờ được thấy những kết quả vượt qua khỏi những điều mô tả. Hoặc ngược lại, nếu kết quả của sinh viên không như mong đợi, đó là do khả năng sinh viên đó còn nhiều hạn chế. Theo tôi, đó không phải là cách đánh giá đúng khả năng học trò. Không tin học trò nghĩa là không tin rằng học trò hiểu rõ hoàn toàn những kì vọng không nói ra của mình. Thầy cô giáo phải chỉ rõ cho sinh viên họ cần phải học cái gì, làm như thế nào và dùng những công cụ nào để đánh giá công sức của họ. Giả thuyết càng ít càng tốt. Việc định hướng và mục tiêu học tập phải rõ ràng và chi tiết. Cô giáo tôi có những bản mô tả bài tập thật sâu vào chi tiết, những đoạn mã để kiểm thử chương trình cùng với những bản kê rõ ràng để đánh giá chấm điểm. Những công cụ này cũng giúp công việc của trợ giảng trở nên rõ ràng và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Tôi đã rất ngại khi phải đọc những đoạn mã không hoàn tất của sinh viên và cho điểm theo cảm tính và kinh nghiệm. Nếu mọi thứ cứ rõ ràng theo kiểu cho đầu vào, nhìn kết quả đầu ra, hoặc đúng hoặc sai thì mọi thứ sẽ dễ chịu đi nhiều. Bạn có thể cho rằng điều này thật cứng nhắc và hạn chế sự sáng tạo. Nhưng về mặt nào đó, ngành kĩ sư và những môn nền tảng cần sự chính xác cao và giá trị ở giữa đúng và sai thường không mang ý nghĩa gì nhiều.

Không tin học trò còn có nghĩa hiểu rằng bản chất của sinh viên phần nào là làm biếng và đợi nước đến chân mới nhảy. Vì vậy, việc theo sát hối thúc và nhận phản hồi từ sinh viên trong quá trình học tập luôn là những việc quan trọng mà những giảng viên phải luôn hiểu rõ. Tôi chưa từng nghe ông thầy, bà giáo nào nói với sinh viên như cô giáo tôi thế này: “Bài tập này rất, rất là khó nên các em nên bắt đầu sớm. Nếu trong nhóm có ai không muốn bắt đầu sớm, không có mặt lúc họp nhóm, không hoàn thành công việc được giao, cứ email sớm cho tôi biết. Tôi sẽ xếp mấy người đó vào chung một nhóm và để họ hối tiếc lúc cuối kỳ”. Một lần nữa, sinh viên ngồi im và không phản đối gì cả, dù sẽ có vài người nhột ở dưới đó. Nhưng sau cùng thì những lời đó cũng là giúp sinh viên làm tốt hơn mà thôi.

Không tin học trò còn có nghĩa là hiểu rằng không phải sinh viên Mỹ nào cũng trung thực trong học tập (dù tôi đoán họ trung thực hơn rất nhiều so với sinh viên Việt Nam nói chung). Có dạo tôi chỉ Mai xem nhận xét về cô giáo tôi trên RateMyProfessors.com. Ngoài những lời nhận xét rằng cô giáo này quá cứng nhắc (tough) (từ những anh chị sinh viên thất bại) nhưng là “one of the best instructors at OSU” (trường tôi), có vài lời nhận xét khiến Mai và tôi phải le lưỡi và phì cười. Đại khái: “Don’t cheat in her class. She will catch you and you will die”. Đúng vậy, tham gia gác thi cùng bà cô này mới thấy nó nghiêm túc quá mức đối với tiêu chuẩn Mỹ. Sinh viên được yêu cầu gỡ nón, gỡ tai nghe, tắt điện thoại di dộng, nếu được phát bài thi trước khi đến giờ làm thì phải úp bài thi xuống, đến giờ mới được giở lên. Cái cảnh bà cô phát lệnh và hơn 60 sinh viên đồng loạt giở tờ giấy làm bài lên rào rào thật là ấn tượng! Ngoài ra, mỗi sinh viên được phát tờ giấy nháp và được yêu cầu “cover your work” để bạn kế bên không nhìn bài mình. Phải nói là hơi giống kiểu thi cấp 2 ở Việt Nam, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy chuyện này ở Mỹ, nhưng sinh viên vẫn làm theo… lấy lệ, chứ không lấy tay, lấy giấy cúi cúi che che bài của mình như mấy em bé cấp 2. Thêm nữa, hai TA (là tôi và một anh Ấn Độ nữa) như hai ông thần hộ pháp nhỏ bé đứng hai bên góc phòng canh sinh viên và đảm bảo công lý được thực thi bằng cách thỉnh thoảng đến từng bàn sinh viên, lấy giấy nháp che lên bài của họ. Nhưng cũng phải nói thêm là, bà cô bước vào kì thi với lủng lẳng những cái calculator và vài cây bút chì để phòng cho sinh viên mượn lúc làm bài. Bà rất sẵn lòng đến từng bàn để giải đáp thắc mắc cho sinh viên.

Tôi đoán là tôi đang tạo ra cảm giác rằng cô giáo tôi là một dạng “bà chằn dragon lady” lạnh lùng và dữ dằn. Tôi từng có một cô giáo như thế. Bạn bè cấp hai chắc vẫn sẽ còn nhớ cô Mỹ Phương. Cô thương và quan tâm học trò nhưng bước vào lớp thì phải gọi là dữ dằn trong từng lời nói, cái liếc mắt, đập bàn làm học trò chết khiếp, hoặc là cười trong bụng vì sao cô phải gồng mình như vậy. Cô giáo Chris thật ra không phải như vậy. Tôi không cho rằng người Mỹ phải gồng mình như vậy khi ngay trong quan hệ giữa thầy và trò đã có một sự bình đẳng và không quá trịnh trọng. Cô giáo Chris hoàn toàn ý thức được chuyện đó. Trừ những lúc bàn về chính sách hay thỏa thuận giữa thầy và trò cần sự nghiêm túc và uy quyền, bài giảng của cô thường là mạch lạc, rõ ràng và khá hóm hỉnh. Đặc thù của môn hệ điều hành thường hay bàn về quan hệ cha-con giữa các quá trình (process). Quá trình có thể kết thúc (terminate) bình thường hoặc bị giết (killed). Cô giáo giảng bài này và hỏi cả lớp là có sinh viên nào dẫn con cái vào lớp không. Cô cảnh báo trước vì nếu mấy em bé mà nghe được bài giảng có giết chóc chắc là sợ chết khiếp! Bạn có biết, quá trình con (child process) chết mà bố mẹ không biết thì nó sẽ thành mấy bộ xương khô không siêu thoát nhảy tưng tưng (zombie). Chuyện này là có thiệt 100% trong môn Hệ Điều Hành. Nghe cô giáo giả giọng con ma “LET ME DIE, LET ME DIE” thì đúng là… cười cái rần.

Sau cùng, tỉ lệ sinh viên rớt và phải học lại môn Hệ điều hành I học kỳ vừa rồi là khoảng 15%, một tỉ lệ khá cao trong những lớp mà tôi từng lại trợ giảng. Cô giáo luôn khẳng định rằng sinh viên Máy tính ra trường kiếm cơm bằng khả năng viết code nên không thể lên lớp trên với số điểm thấp được. Sẽ có thêm nhiều lời đồn thổi từ những anh chị sinh viên thất bại trong lớp nhưng đó là một sự nhất quán cần thiết. Riêng tôi, tôi kết thúc học kỳ với sự hài lòng của cô giáo về mặt nghiêm túc và nỗ lực trong công việc dù trong thâm tâm tôi nghĩ mình nên vật lộn với bài tập để có thể giúp đỡ được sinh viên nhiều hơn.

Một bài viết ngắn thì không thể bao trùm mọi mặt của một người nói chung và một cô giáo nói riêng với tất cả mặt mạnh và chưa mạnh, đặc biệt khi tôi cho rằng mình vẫn chưa hoàn toàn hòa nhập được với cuộc sống Đại học Mỹ. Nhưng tôi muốn viết ra như là cách để nhìn lại xem mình đã học thêm được những gì trong học kỳ vừa qua. Việc học không chỉ về mặt chuyên môn thuần túy mà còn là cái nhìn về một hệ thống giáo dục tốt được xây dựng từ những bánh răng chắc chắn hay những cá nhân tận tâm và chuyên nghiệp như cô giáo tôi.

Tuấn Phạm (tháng 12 năm 2008)


Bình luận

  • TTCN (4)
Hải Nam  30903

Đúng là đa số sinh viên máy tính ra trường kiếm cơm bằng khả năng viết code. Ở đâu tuyển cũng đòi hỏi khả năng code, và chủ yếu thời gian phỏng vấn là để loại sinh viên không biết code mà vẫn nộp hồ sơ Big Grin

GV nước hoài nhìn chung khá vui tính, nhưng ít ai hài hước và nhiệt tình như cô Chris được kể trong này.

pham huu linh  49

mình ko nghĩ đa số sinh viên máy tính ra trường kiếm cơm bằng khả năng viết code...

việc chuyển từ code vài ba năm sang một công việc khác cũng liên quan tới máy tính nhiều hơn là việc một người tìm tòi về code rồi gắn bó với nó

về lâu dài code không chắc đã đủ trang trải cuộc sống cho bản thân + ...

Hải Nam  30903

Những người đi dạy họ nói vậy. Những người tuyển dụng họ cũng nói vậy. Đó là thực tế.

Tuấn Phạm  361

"Trưởng nhóm", "Trưởng dự án" nên là mục tiêu của sinh viên học máy tính, hơn là chỉ quanh quẩn "lập trình viên". Nhưng mình nghĩ muốn leo lên cao hơn thì trước hết phải biết viết code trước đã!