Lời giới thiệu: Học kì này tôi đang lấy lớp 'Tương tác người và máy' (Human computer interaction). Ông thầy cho bài tập thiết kế bàn phím mềm (soft keyboard) cho điện thoại di động. Thiết kế của tôi là một trong số ít được thầy đánh giá trước lớp là 'thú vị'. Trong niềm tự hào hiếm hoi đó, tôi dịch bài tập của mình ra đây, để sau này có điện thoại nào bắt chước theo thì tôi sẽ có cớ mà kiện cáo.

Ai đó nói rằng, "Nếu không cần cân nhắc đến hiện thực hóa thì rất dễ nghĩ ra được những thiết kế hoàn hảo và sáng tạo!" :)

1. Yêu cầu

Thiết kế một bàn phím mềm trên màn hình đa điểm của điện thoại với độ dài đường chéo là 4 inch (tương đương 10,16 cm), hình học tùy ý.

Sắp xếp các phím để tối ưu hóa việc nhập văn bản tiếng Anh thông thường. Nghĩa là thiết kế phải hỗ trợ các ký tự alphabet chuẩn và cả những kí tự đặc biệt, mặc dù tất cả kí tự không nhất thiết trên cùng một màn hình. 25% trở lên diện tích màn hình được dành riêng để hiển thị văn bản gõ vào. Bàn phím này không hỗ trợ việc đoán trước hoặc gợi ý từ.

2. Thiết kế mẫu: Bàn phím mềm cho điện thoại vuông

Các điện thoại thông minh (smartphone) ngày nay thường có hình dạng chữ nhật với màn hình chữ nhật cảm ứng đa điểm (multi-touch). iPhone của Apple và Nexus One của Google là những ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, điện thoại dạng hình vuông vẫn xuất hiện và đem lại nhiều thách thức cũng như cảm hứng cho các nhà thiết kế. Kin One của Microsoft mới xuất hiện gần đây minh họa cho hướng thiết kế màn hình vuông.

Trong bài tập này, thiết kế của tôi là một bàn phím cho màn hình vuông của một điện thoại vuông. Giả thiết là điện thoại được trang bị gia tốc kế để nhận biết được sự thay đổi vị trí. Ý tưởng chính ở đây là thiết kế không chỉ cho phép người dùng cầm điện thoại thẳng đứng (hoặc ngang, như nhau đối với hình vuông) thông thường mà còn cầm điện thoại theo đường chéo. Nói cách khác, người dùng có thể cầm điện thoại theo bất cứ hướng nào mà họ cảm thấy thoải mái để nhập văn bản. Bàn phím và chỗ hiển thị văn bản sẽ thay đổi tương ứng với góc cầm của người dùng. Trong phần mô tả này, tôi sẽ tập trung vào cách bố trí đường chéo.

Ảnh
Hình 1: Bàn phím ở chế độ ABC. Phím 'mũi tên lên xuống' cho phép người dùng chuyển qua lại giữa các chế độ ABC, abc, và 'kí tự đặc biệt'.
Ảnh
Hình 2: Bàn phím ở chế độ 'kí tự đặc biệt'. Phím 'mũi tên lên xuống' cho phép người dùng chuyển qua lại giữa các chế độ ABC, abc, và 'kí tự đặc biệt'. Cách bố trí các kí tự đặc biệt bắt chước kiểu bố trí của iPhone.

Đối với việc bố trí đường chéo, hình 1 và hình 2 minh họa bàn phím ở chế độ 'gõ ABC' và chế độ 'gõ kí tự đặc biệt'. Bố trí bàn phím theo đường chéo tận dụng lợi thế là các phím của QWERTY nguyên thủy được tổ chức thành hình tam giác với 10 chữ cái trên hàng đầu tiên, 9 trên hàng thứ hai, và 7 ở hàng thứ ba. Nói cách khác, trong bố trí đường chéo, không gian cho các chữ cái được sử dụng hiệu quả hơn. Thật vậy, khoảng trống giữa các phím (hoặc diện tích các phím) sẽ lớn hơn so với bố trí phím theo chiều dọc (hoặc ngang). Những người dùng có ngón tay to sẽ hưởng lợi từ cách bố trí theo đường chéo, trong khi những bàn tay nhỏ hơn có thể sẽ ưa chuộng kiểu bố trí theo chiều vuông góc.

Tuấn Phạm


Bình luận

  • TTCN (1)
mt

cách bố trí bàn phím thì rất hay và lạ. tuy nhiên nó sẽ làm giảm không gian hiển thị của màn hình. và thiết kế này chỉ nên áp dụng lúc cần hiển thị bàn phím thui, còn lúc bình thường thì màn hình nên xoay lại để hiển thị đầy đủ hơn.