Mọc rễ hàng tiếng đồng hồ trước tựa video game yêu thích có thể gây ra nhiều hiệu ứng không tốt cho sức khỏe của bạn.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn là một kẻ cô độc, lập dị và mất đi kỹ năng giao tiếp với những người xung quanh.
Theo cuộc nghiên cứu mới nhất tại Úc, có khoảng 15% trên tổng số 621 người được hỏi bị xếp vào nhóm "game thủ có vấn đề". Những người này thường xuyên chơi game trên 50 tiếng/tuần.
Tuy nhiên, chỉ có vẻn vẹn 1% trong số này là "thiểu năng" trong giao tiếp xã hội, đặc biệt xấu hổ, nhút nhát và ngại ngùng khi phải nói chuyện, giao thiệp với người khác.
"Kết quả này hoàn toàn trái ngược với định kiến trước đây, vốn cho rằng người nghiện game thì luôn cô độc, lập dị và không biết đến cuộc sống bên ngoài", tác giả cuộc nghiên cứu Daniel Loton cho biết.
"Trên thực tế, game không hề gây ra căn bệnh sợ giao tiếp ở người chơi. Và việc mọi người tìm đến với game cũng không xuất phát từ căn bệnh "sợ xã hội", Loton nói thêm.
"Nói cách khác, giữa video game và căn bệnh tự kỷ, trầm cảm không hề có dấu hiệu nào liên quan tới nhau".
Không liên quan!
Theo lời Loton, một game thủ chỉ bị xếp vào nhóm "có vấn đề" khi họ bị game ám ảnh quá nặng.
Thời gian chơi game quá nhiều nên ảnh hưởng đến công việc, giấc ngủ, các mối quan hệ thân thiết. "Họ không có khả năng ngừng lại, một khi đã bắt đầu cuộc chơi".
Thường thì những người chơi Game trực tuyến Nhập vai Nhiều người chơi (MMORPG), kiểu như Ultima Online hay World of Warcraft dễ mắc phải hội chứng này nhất.
Theo ước tính của Loton, hiện WoW đang thu hút hơn 10 triệu game thủ "trung thành" trên toàn thế giới.
Sau khi phân tích kỹ các kỹ năng giao tiếp, dấu hiệu tự kỷ và hội chứng tâm lý ở những người được hỏi, Loton đi đến kết luận rằng chỉ có quan hệ "rất yếu" (chưa đầy 5%) giữa bệnh nghiện game với tự kỷ mà thôi.
Cuối năm ngoái, Hiệp hội Y khoa Mỹ (AMA) đã công bố một nghiên cứu gây nhiều tranh cãi, khi xếp game thủ MMORPG vào nhóm "thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội, luôn luôn cô đơn và gặp khó khăn trong việc tương tác với đời sống thực".
AMA thậm chí còn cân nhắc tới việc bổ sung bệnh "nghiện game" vào trong Danh mục các bệnh "Rối loạn tâm lý và tâm thần".
(Theo Vietnamnet/Reuters)
Bình luận